Trong đó, vấn đề công nghệ chuyển đổi xanh và huy động tài chính cho tăng trưởng xanh thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu.

Phiên thảo luận “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ trì phiên thảo luận về “Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Đề xuất của Việt Nam là thành lập một trang web để các quốc gia, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi xanh. Các nước P4G cũng cần thành lập mô hình đổi mới sáng tạo mở để hình thành cầu nối giữa nơi có nhu cầu với nhà cung cấp giải pháp, công nghệ.
Tại phiên thảo luận, bà Hon Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya chia sẻ, để phát huy vai trò của AI trong phát triển xanh, các quốc gia cần đầu tư hạ tầng số, từ mạng Internet tốc độ cao, điện toán đám mây dễ tiếp cận, đến các trung tâm dữ liệu tại chỗ.
Ông Bader Al Matrooshi, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cho biết, quốc gia này đang tập trung triển khai nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ thủy canh, thúc đẩy nông nghiệp xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi cũng cho biết Nhật Bản đang sử dụng AI để giám sát ô nhiễm, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng mất đa dạng sinh học.
Tại phiên thảo luận “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”, các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp huy động vốn cho các dự án xanh. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công - tư và sự cần thiết của việc kết nối chính sách giữa các nước trong khu vực, hướng đến việc hình thành một hành lang tài chính xanh xuyên biên giới tại châu Á.
Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, vai trò then chốt của việc cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn vốn đến được đúng nơi, đúng lúc, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Nhận định về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, các diễn giả cũng nêu ra những rào cản như: thiếu hệ thống phân loại rõ ràng, tiêu chuẩn quốc tế còn quá cao so với năng lực thị trường, khung pháp lý cho phát hành trái phiếu xanh chưa rõ ràng...
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, nhu cầu tài chính của Việt Nam để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2040 ước tính lên tới 368 tỷ USD. Tuy nhiên, hệ thống tài chính hiện tại còn nhiều hạn chế, như: tín dụng xanh chiếm chưa tới 5% tổng dư nợ, thị trường trái phiếu khí hậu chưa phát triển.
Ông Thomas Jacobs kêu gọi các giải pháp như cải thiện quy định, tăng cường năng lực ngân hàng, thúc đẩy công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu.
Đại diện cho chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM luôn tiên phong trong thúc đẩy tài chính xanh. Hiện TPHCM đã ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh đến 2030, triển khai chính sách tài chính đặc thù theo Nghị quyết 98 và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xanh thông qua trái phiếu xanh đô thị và hợp tác công tư xanh. TPHCM cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa nguồn vốn, phát triển sản phẩm tài chính xanh và tăng cường hợp tác quốc tế.
Phiên thảo luận đã đưa ra 4 ưu tiên chính sách được các đại biểu đề xuất bao gồm: hoàn thiện thể chế tài chính quốc gia và toàn cầu; thúc đẩy đổi mới sản phẩm tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác công - tư; nâng cao minh bạch, giám sát tài chính xanh.
Các phiên thảo luận “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”; “Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”; “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững”... thu hút sự quan tâm của các đại biểu.