Tỉnh lộ 9 - một trong những con đường chính đi qua địa bàn xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), có nhiều đoạn vừa hẹp vừa xuống cấp. Do không có sự lựa chọn khác, nhiều xe tải, container vẫn phải đi liên tục - điều này đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân khi lưu thông qua đây. Sống nhiều năm tại khu vực xã Bình Mỹ, bà Nguyễn Thị Nga (65 tuổi) cho hay, mỗi năm vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, bà chứng kiến cảnh kẹt xe không lối thoát trên tỉnh lộ 9, hướng từ huyện Củ Chi về TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tình trạng này càng ngày càng tệ vì theo thời gian đường càng xuống cấp. “Tôi và bà con sống gần tỉnh lộ 9 thấy rằng, muốn khắc phục kẹt xe, hạn chế tai nạn giao thông trên đường thì thành phố phải nhanh chóng mở rộng, thêm làn đường, đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường xung quanh”, bà Nga nói.
Nhìn chung trên toàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, hạ tầng kỹ thuật nói chung và giao thông nói riêng kém phát triển khá xa so với nhiều quận, huyện khác của TPHCM. Trục đường chính hiện nay cơ bản chỉ có quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... cũng giống tỉnh lộ 9, đã quá tải và kém an toàn. Do toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực này chủ yếu là đường nông thôn, nhỏ, hẹp, ngoằn ngoèo, lạc hậu so với nhu cầu nên dù từ trung tâm thành phố đến trung tâm huyện Củ Chi chỉ khoảng 30km, nhưng di chuyển mất từ 45-60 phút. Điểm nghẽn giao thông lớn nhất là nút giao An Sương, sau gần 20 năm mới cơ bản được tháo gỡ. Tại đây ngoài cầu vượt, TPHCM đã xây thêm cầu chui, làm nút giao đảo tròn trung tâm trên mặt đất để hình thành nút giao thông 3 tầng, giải bài toán ách tắc giao thông ở đây.
Lý do lớn nhất khiến huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn là “vùng trũng” về đầu tư hạ tầng giao thông của TPHCM do khu vực này được xác định là hướng phát triển đô thị phụ của thành phố theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Chính phủ phê duyệt năm 2010. Nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM trong thời gian qua vốn đã thiếu và khi thu xếp được lại tập trung cho các hướng phát triển đô thị chính là hướng Đông và Nam (TP Thủ Đức và Nam Sài Gòn). Thế mới có chuyện, giai đoạn 1 của dự án đầu tư nút giao thông An Sương hoàn thành năm 2002, nhưng đến năm 2020 mới làm xong giai đoạn 2, mà kinh phí giai đoạn 2 chỉ hơn 500 tỷ đồng.
Tạo vốn từ quy hoạch tốt
Không chỉ có lợi thế về địa hình cao, địa chất tốt mà huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn còn có quỹ đất rất lớn. Diện tích của toàn bộ 16 quận và TP Thủ Đức cộng lại mới bằng hơn 90% diện tích đất 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi. Theo các chuyên gia, đây là tiềm lực rất lớn của 2 địa phương này. Nếu được quy hoạch hợp lý, quỹ đất rộng lớn này sẽ là “mỏ vàng” để TPHCM khai thác, tạo vốn đầu tư chính cho huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Hóc Môn, đường Đặng Thúc Vịnh (còn gọi là tỉnh lộ 9, một trục đường nhánh giao với quốc lộ 22) đang được cấp tập thi công những công đoạn cuối, để tổ chức khánh thành vào dịp 30-4 tới. Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh triển khai từ năm 2018, với vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Công trình thực hiện trên chiều dài hơn 5km, mở rộng đường từ 7-8m lên 30m. Đến cuối tháng 3 này, hầu hết cung đường đã được trải nhựa, lát đá vỉa hè, giúp người dân đi lại thuận tiện. Cung đường là một trong những trục kết nối TPHCM qua Bình Dương, Long An. Dù chưa thực sự hoàn tất, nhưng các khu dân cư xung quanh đang “thay da, đổi thịt” hàng ngày. Việc buôn bán, kinh doanh tấp nập hơn. Nguồn thu từ các hoạt động này đang đóng góp ngày một nhiều cho huyện Hóc Môn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - chủ đầu tư công trình, cho biết, việc đầu tư hoàn chỉnh các tuyến tỉnh lộ phía Tây Bắc thành phố đang từng bước được tiến hành. Và hiệu quả nhận thấy từng ngày, đó là nâng cao năng lực giao thông, vận tải, góp phần cải tạo bộ mặt của địa phương và giúp phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.
"Việc đầu tư cho Củ Chi không chỉ là đầu tư cho huyện mà còn là đầu tư cho sự phát triển của TPHCM. Công tác quy hoạch cần được thực hiện thận trọng, tính toán kỹ những nội dung trước mắt, hiện tại và lâu dài. Cùng với đó là xây dựng một vành đai với những mảng xanh phải xanh hơn những nơi khác",Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (Phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi ngày 20-11-2020) |
Điểm nhấn ở đường huyết mạch
|