Tìm thị trường tiêu thụ nông - thủy sản

(ĐTTCO)-Nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc phải tạm ngưng do tạm đóng cửa khẩu. Từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu đang lo lắng tìm thị trường tiêu thụ trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thanh long khó xuất sang Trung Quốc hiện nay
Thanh long khó xuất sang Trung Quốc hiện nay

Rớt giá

Đến xứ sở thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang những ngày này sẽ thấy nỗi lo lắng bao trùm các nhà vườn. Chuẩn bị thu hoạch hơn 1ha thanh long, nhưng vườn ông Nguyễn Duy Khang cũng như nhiều nhà vườn khác ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm này vẫn chưa có thương lái đến đặt cọc. Tuần trước, thanh long bán được giá hơn 20.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, loại đẹp nhất để xuất khẩu cũng chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng thương lái không thu mua.

Không chỉ nông dân, doanh nghiệp thu mua trái cây cũng “sống dở, chết dở” trong những đơn hàng đầu năm mới. Nhiều doanh nghiệp mua thanh long vào ngày 27-1 (tức mùng 3 tết) với giá gần 30.000 đồng/kg, để mùng 4 tết xuất khẩu đơn hàng đầu tiên trong năm.

Tuy nhiên, sau 2 ngày nằm chờ ở cửa khẩu vào Trung Quốc, thì doanh nghiệp được tin đối tác tạm dừng nhập khẩu do nCoV. “Chở hàng về tốn gần 100 triệu đồng. Nếu tiếp tục chờ ở cửa khẩu thì không biết bao giờ thị trường Trung Quốc mua hàng trở lại; chưa kể phải tốn chi phí mua dầu để container lạnh hoạt động bảo quản hàng hóa.

Cuối cùng, lô hàng container thanh long đành mang về chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc bán rẻ để thu hồi vốn”, giám đốc một doanh nghiệp kể. Không chỉ thanh long mà 9 loại trái cây được xuất khẩu qua Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn tương tự.

Ngày 3-2, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho hay, hiện toàn tỉnh đang có khoảng 100.000 tấn thanh long không xuất khẩu được.

Đồng cảnh ngộ, nhiều nông dân nuôi thủy sản trên bè để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Corona. Các chủ lồng tôm đã cố gọi nhiều thương lái đến thu mua vì tôm đã đến đỉnh thu hoạch, nhưng thương lái chỉ hứa hẹn và đưa ra lý do tôm không xuất được qua Trung Quốc nên không thể thu mua.

Hiện giá tôm hùm xanh trên địa bàn các tỉnh ven biển Nam Trung bộ dao động khoảng 600.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ. Còn tôm hùm sao giá trước tết từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg, nay không bán được, tồn đọng tại lồng nuôi.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình (TP Cam Ranh) xác nhận, những ngày vừa qua, thương lái đã dừng hẳn thu mua tôm hùm xuất khẩu. Chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm xuất sang thị trường Trung Quốc ở TP Nha Trang cho hay, mặc dù thị trường Trung Quốc hiện rất cần tôm hùm sống, nhưng từ ngày 23-1 các cửa khẩu tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch nên các doanh nghiệp không xuất được hàng.

Củng cố thị trường nội địa

Trước tình hình trên, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm để “giải cứu” trái thanh long, gồm: Tăng cường tiêu thụ trong nước; dự trữ hàng đông lạnh; đẩy mạnh chế biến; tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc và kiến nghị chính sách hỗ trợ của nhà nước thu mua, dự trữ mặt hàng này. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân hạn chế chong đèn thanh long trái vụ để kéo dài thời gian thu hoạch, trong khi chờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã đề xuất UBND tỉnh làm việc các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp có kho lạnh, nhằm thu mua thanh long tạm trữ trong thời gian này.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, nhìn nhận doanh nghiệp có công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch cũng không thể “giải cứu” được hết sản lượng nông sản chờ xuất khẩu qua Trung Quốc vì số lượng quá lớn. Bản thân công ty với sản phẩm trái cây sấy, nhưng chỉ có thể tăng thu mua mít với sản lượng ít, vì sản phẩm này đã được nhiều người biết đến. Đối với sản phẩm chưa ổn định thị trường, doanh nghiệp chỉ mua ở mức độ nào đó, chứ không thể mua hết. Do trái cây sấy khô, nước ép, tuy có thể để lâu hơn nhưng cũng có hạn sử dụng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho hay: “Hiện công ty có tăng mua thêm sản lượng trái cây, nhưng chỉ ưu tiên cho nông dân liên kết sản xuất xoài và thanh long xuất khẩu đạt tiêu chuẩn. Nếu doanh nghiệp nào có kho lạnh mua về bảo quản cũng chỉ được 30 ngày, khi Trung Quốc không thu mua thì có nguy cơ phá sản”.

Hiện nước ta đang xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc 9 mặt hàng gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trong đó, thanh long và dưa hấu chiếm sản lượng rất lớn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện các tỉnh của Trung Quốc đang cấm người và hàng hóa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc tại khu vực biên giới có thể mua hàng, thì chỉ số lượng ít vì chỉ bán trong tỉnh. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có phương án ứng phó trước khả năng dịch Corona diễn biến phức tạp, lan rộng, có thể không xuất khẩu được trong thời gian dài.

Vấn đề đáng ngại là nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc thì không thể xuất qua thị trường khác với nhiều lý do, như tiêu chuẩn khác nhau; nông sản nhiều nước khác cũng bị Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu (như Việt Nam) nên cũng đôn đáo tìm thị trường khác…

Do vậy, trái cây tươi chỉ còn trông đợi chính vào thị trường nội địa. Nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần sự phối hợp tìm thị trường tiêu thụ ngay trong mùa vụ này.

Chiều 3-2, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đã chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình thương mại nông sản Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch. Ngay đầu năm 2020, nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu ở miền Nam và miền Trung chở ra khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất sang Trung Quốc phải quay về, có nơi đang bán giá rẻ 1.000 đồng/kg dưa hấu, nhưng vẫn ế.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị các doanh nghiệp phía Nam không nên đưa hàng lên Lạng Sơn vào thời điểm này. Hiện các chợ biên giới của Trung Quốc tạm đóng cửa đến ngày 9-2 nên gián đoạn việc trao đổi hàng hóa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, yếu tố thời tiết khiến dịch này càng nguy hiểm. Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này. Trung Quốc cũng vừa công bố có dịch H5N1 tại Hồ Nam, trong đó chủng lây chéo sang người cực kỳ phức tạp.

Các tin khác