Tín dụng có bảo hiểm lãi suất

Tại cuộc hội thảo vừa được NHNN tổ chức tại Kiên Giang, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) đã công bố một đề án tín dụng khá đặc biệt: Dành 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn khu vực ĐBSCL có bảo hiểm từ thiện lãi suất, giúp đỡ nông dân khi gặp khó khăn khách quan.

Tại cuộc hội thảo vừa được NHNN tổ chức tại Kiên Giang, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) đã công bố một đề án tín dụng khá đặc biệt: Dành 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn khu vực ĐBSCL có bảo hiểm từ thiện lãi suất, giúp đỡ nông dân khi gặp khó khăn khách quan.

Bảo hiểm miễn phí lãi suất vay

Những năm qua, trong toàn quốc và đặc biệt tại ĐBSCL, tình hình các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gia tăng, mưa lũ, hạn hán thất thường do biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Vì thế, những rủi ro từ cho vay với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn rất cao.

Bảo hiểm y tế cho người nghèo đã thành công, bảo hiểm nông nghiệp cần nghiên cứu có một hình thức gì tương tự. Nếu không có bảo hiểm, NH phải chịu thiệt gấp đôi vì NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thay vì việc đó, ta cần có cơ chế bảo hiểm. Nếu vốn ít NH bảo hiểm lãi suất, nếu nhiều có thể bảo hiểm cả rủi ro. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm đối phó với thiên tai, dịch bệnh.

Ông NGUYỄN VĂN BÌNH,
Thống đốc NHNN Việt Nam

Trong khi đó lại chưa có các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của hàng triệu hộ dân. Ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm. Vì chưa có các sản phẩm bảo hiểm đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh… thì khả năng trả nợ NH của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên các NH chỉ cho vay nhỏ giọt và vay cầm chừng.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank, cho biết theo quan điểm “bảo vệ khách hàng là bảo vệ NH”, “nông dân an tâm, NH an toàn”, LienVietPostBank quyết định triển khai đề án cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm từ thiện lãi suất khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2013-2015.

Đề án có 3 mục tiêu cụ thể: góp phần tăng hiệu quả sử dụng diện tích đất nông nghiệp tại ĐBSCL, tăng dư nợ cho vay với nông dân và tăng số hộ được vay vốn. Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng vay vốn nằm trong đề án trên, trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan (thiên tai, chủ hộ nông dân bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong).

Dự kiến tổng số tiền cho vay từ tháng 12-2013 đến tháng 4-2014 là 5.000 tỷ đồng. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết năm 2015 là hơn 800 tỷ đồng. Để đảm bảo cho khoản bảo hiểm này, PTI sẽ ký quỹ 10 tỷ đồng tại LienVietPostBank. Khoản ký quỹ này được trả lãi suất theo quy định hiện hành.

Mới là chính sách mồi

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương băn khoăn về hiệu quả lâu dài của đề án này: “Dù là bảo hiểm nông nghiệp vẫn cần có tính thị trường, hỗ trợ nhưng phải bền vững”. TS.  Thành cho rằng khái niệm đang được thế giới nhắc tới nhiều thời gian gần đây là “tài chính bao trùm” (inclusive financial) - một dịch vụ tài chính cung cấp cho bộ phận khách hàng thu nhập thấp và kém may mắn với chi phí hợp lý.

Giao dịch tại LienVietPostBank.

Giao dịch tại LienVietPostBank. 

Trong đó, các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm đi song hành với trợ cấp xã hội, nhưng tuân theo cơ chế thị trường. Không nên coi bảo hiểm trong nông nghiệp nông thôn như sự bảo hiểm từ thiện mà cần tuân theo cơ chế thị trường, ngay cả khi tính tới phương án hỗ trợ bà con.

Trong khi đó, theo TS. Lê Thẩm Dương (Đại học NH TPHCM), cơ chế bảo hiểm lãi suất cho khoản vay mới chỉ là một sự hé mở và chưa bao trùm được giá trị lớn nhất là toàn bộ khoản vay, gồm cả phần gốc: “Người ta kỳ vọng là sẽ có bảo hiểm cho cả khoản vay. Nhưng điều này chỉ riêng một NH khó làm được, phải có chỉ đạo cấp nhà nước, tạo thành chuỗi trong đó bảo hiểm là một khâu quan trọng”. Tuy nhiên, ý nghĩa của bảo hiểm lãi suất là một chính sách mồi, tạo một chỗ dựa và kích thích người dân vay vốn, NH cũng có thêm điều kiện để đẩy mạnh cho vay.

Trước những ý kiến trên, TS. Nguyễn Đức Hưởng cho biết, trước mắt, LienVietPostBank sẽ tiếp cận khu vực ĐBSCL để người dân làm quen với hình thức bảo hiểm này: “Chúng tôi xác định sẽ làm lâu dài, nhưng từng bước một. Thực tế nhiều người dân ở đây vẫn có tâm lý thích vay “tín dụng đen” dù lãi suất cao. Nên trước hết là để họ dần làm quen. Sau này sẽ thực hiện thu phí bảo hiểm ở mức thấp để dần dần tiến tới bảo hiểm cho cả phần vốn gốc”. 

Các tin khác