Trao đổi với ĐTTC về việc này, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH khuyến cáo người vay cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy tín dụng đen của những đơn vị cho vay chưa được công nhận hợp pháp.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay các ứng dụng cho vay trực tuyến với hình thức vay nóng, giải ngân trong vài giờ đang nở rộ. Nhận định của ông về sự tồn tại của hình thức cho vay này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trước mắt về mặt pháp lý, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để huy động vốn và cho vay là bất hợp pháp. Hiện tại, trong hệ thống tài chính Việt Nam chỉ có NHTM và công t
y tài chính có quyền huy động vốn từ các thành phần xã hội. Đặc biệt, chỉ NH được huy động vốn không kỳ hạn. Như vậy, những doanh nghiệp dùng điện thoại thông minh để huy động vốn từ người dân là hoạt động không hợp pháp. Còn về cho vay, hiện tại không có luật nào cấm người dân cho nhau vay, cũng không có luật nào cấm 1 công ty đứng ra làm môi giới giữa 2 người cho nhau vay.
Hình thức cho vay trực tuyến phù hợp với xu hướng của thời đại công nghệ 4.0, các công ty cho vay theo kiểu công nghệ ngày càng nhiều, tiếp cận người dân ngày càng dễ hơn. Hiện nay ở các nước phát triển cũng có tình trạng này nên đây là hiện tượng rất đáng lo nếu nước ta không có khung pháp lý để điều chỉnh. |
Thực tế trên cho thấy đang có lỗ hổng về quy định cho vay cá nhân với nhau, tạo ra nhiều rủi ro cho các bên cho vay nhau, hoặc cho vay thông qua môi giới của các công ty cho vay ngang hàng. Rủi ro thứ nhất là về pháp lý.
Do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh, nhiều giao dịch cho vay trực tuyến không có văn bản hợp pháp, chỉ là thỏa thuận bằng miệng, hoặc thỏa thuận trên giấy nhưng rất sơ sài, không có những điều khoản cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ cũng như điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của các bên cho vay và vay. Đáng chú ý, nhiều công ty đã dùng cách thu hồi nợ như xã hội đen. Thực tế đã có nhiều trường hợp người vay bị thiệt thòi vì lãi suất vay rất cao và khi không trả được nợ, đã bị các tổ chức cho vay khủng bố tinh thần nặng nề.
- Các ứng dụng giới thiệu lãi suất cho vay 16-18%/năm, nhưng cộng thêm phí 4-10%/số tiền vay và phí phạt rất nặng. Vậy đây có phải là hình thức tín dụng đen trá hình, thưa ông?
- Có thể nói đó là hình thức tín dụng đen trá hình. Vì lãi suất danh nghĩa được công bố rất thấp, dưới 20%, đúng với quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Nhưng các công ty cho vay trực tuyến đang dùng đủ mọi loại phí như phí hồ sơ, phí thẩm định, phí quản lý… để tăng lợi nhuận. Nếu tính trên cơ sở 1 năm, có những người vay phải trả phí, trả lãi đến 200-300%/năm.
Các quảng cáo cho vay dán trên cột điện, vách tường, trên mạng xã hội rất hấp dẫn dễ đánh lừa người dân vay tiền nóng, dẫn đến tán gia bại sản.
Vấn đề ở chỗ, loại hình vay này đang thu hút người dân quan tâm. Có một số lý do dẫn đến thực trạng này. Chẳng hạn, có người cần tiền rất gấp để trả tiền bệnh phí cho gia đình, hay cần tiền để trả nợ hoặc đang kinh doanh tốt cần gấp tiền để mở rộng.
Đa số đối tượng này không thể đến NH vay tiền được do thủ tục vay tại các NH nhiêu khê, cần nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều điều kiện, giấy tờ chứng minh. Trong khi tiếp cận những khoản vay nóng, người vay có thể vay vài chục triệu, vài trăm triệu đồng trong thời gian rất ngắn.
Bên cạnh đó, sự phổ biến này còn do các quảng cáo dán trên cột điện, vách tường, trên mạng xã hội rất hấp dẫn, như vay rất nhanh một số tiền đáp ứng nhu cầu, lãi suất thấp… Thông tin đó đập vào mắt nhiều người và họ bị lừa bởi những quảng cáo như thế.
- Như vậy thực trạng này đang đặt ra yêu cầu phải kiểm soát, quản lý, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta phải có khung pháp lý về vấn đề cho vay cá nhân, cũng như việc các cá nhân cho vay nhau. Hiện tại chưa có quy định của luật pháp về vấn đề này. Vì thế cần sớm có quy định cụ thể về việc cho vay lẫn nhau, vấn đề trách nhiệm quyền lợi mỗi bên như thế nào, phương pháp trả nợ thế nào, có thể quy định cả về việc bảo đảm thế chấp.
Khi đã có hành lang pháp lý, những hành vi vi phạm luật pháp mới được tòa án xử lý. Còn tại thời điểm này, chưa có ai xử lý vi phạm, tòa án không thể xử lý vì không có cơ sở pháp lý. Cơ quan chức năng như công an không thể can thiệp chuyện cá nhân giao dịch với nhau nếu không có khởi kiện.
Chính vì vậy, tại thời điểm này, vấn đề cho vay cá nhân qua các ứng dụng trên điện thoại đang tồn tại khoảng trống rất lớn về mặt pháp lý và về mặt an ninh, để tín dụng đen núp bóng công nghệ cho vay công khai. Để tránh rủi ro, người dân không nên vay tiền của các tổ chức cho vay trực tuyến chưa được cấp phép.
Nếu cần vay, trước nhất nên tìm đến những kênh chính thức như NH, công ty tài chính, hay tìm những nơi cho vay mình đã có kinh nghiệm, ngay cả những tiệm cầm đồ cũng có thể đến vay. Còn với những tổ chức cho vay thường quảng cáo trên cột điện, vách tường hay các trang mạng xã hội, tốt nhất đừng nên vay. Vì thực tế phần lớn tổ chức này là nhóm tội phạm trá hình, lừa người dân vay tiền nóng, dẫn đến tán gia bại sản.
- Xin cảm ơn ông.