Tăng thần tốc
Trong tháng 12-2021, tín dụng tiếp tục bứt phá mạnh. Số liệu của NHNN cho biết tính đến 22-12-2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020; đến 31-12-2021 đã tăng lên 13,53%, đạt 10,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 10 ngày cuối năm 2021, tín dụng đã tăng thêm 0,85%.
Cả tháng 12, dư nợ đã tăng thêm 3,43%, tương đương 253.000 tỷ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế, tăng 38% so với tổng mức cấp tín dụng mới của tháng 11. Tính chung 3 tháng cuối năm 2021, tín dụng đã tăng thêm 6,36%. Trên địa bàn TPHCM, tổng dư nợ tín dụng năm 2021 cũng đạt trên 2,83 triệu tỷ đồng, tăng 11,85% so với cuối năm 2020. Trong đó, tháng 11 tăng 2,2% và tháng 12 tăng 2%.
Báo cáo sớm của các NHTM cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Ghi nhận từ nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý IV-2021 là VietCapital Bank, dư nợ tín dụng trong năm 2021 đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Nhờ đó, NH thu về hơn 1.400 tỷ đồng thu nhập từ lãi thuần, tăng 30% so với năm trước.
Còn theo thông tin Vietcombank công bố, dư nợ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020. Tính đến hết ngày 31-12-2021, dư nợ bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt 1,65 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. ABBANK cũng tăng 13,2%...
Trước dịch Covid, tăng trưởng tín dụng được rải đều ở các tháng. Ghi nhận sau khi dịch bệnh xảy ra, 2 năm qua đều có mức tăng rất chậm trong các tháng đầu năm nhưng lại tăng tốc rất nhanh vào các tháng cuối năm. Điều này được hỗ trợ từ việc hàng loạt NHTM đã được nâng hạn mức tín dụng trong giai đoạn cuối năm để hỗ trợ các DN.
Đồng thời, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn luôn rất lớn. Lãnh đạo một nhà băng cho biết NH còn có thể tăng tín dụng mạnh hơn con số đã công bố. Nhưng do đã chạm trần hạn mức được cấp, nếu cho vay vượt hạn mức sẽ bị NHNN phạt hành chính nên NH phải dừng.
Vốn chảy ra có lợi cho ai?
Trong cơ cấu tín dụng, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hút vốn mạnh trong những tháng cuối năm 2021. DN FDI lâu nay chủ yếu là khách hàng của khối NH ngoại, song gần đây một số NH nội cũng đã kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng này.
Đơn cử, theo công bố của BIDV, dư nợ khách hàng FDI trong năm 2021 tăng đến 21%. Lĩnh vực nữa hút vốn đáng kể là bán lẻ, bởi tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống NH trong 5 năm qua.
Cụ thể, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III-2021. Gần đây, tín dụng bán lẻ và DNNVV cũng được các NH ưu tiên hơn do hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay DN lớn.
Như tại VietinBank, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và DNNVV năm 2021 đạt 57%. Hay BIDV ghi nhận dư nợ bán lẻ năm 2021 tăng 25% so với 2020…
Với đặc thù tăng trưởng về dân số, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP thấp hơn Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc (mới đạt khoảng 30%), Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng cho ngành NH bán lẻ, là cơ hội cho các nhà băng.
Nhưng tín dụng bán lẻ ở Việt Nam cũng có vấn đề cần phải quan tâm. Bởi 2 sản phẩm bán lẻ có quy mô dư nợ lớn hiện tại là cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô. Trên thực tế, nhu cầu mua nhà để ở vẫn có nhưng nhu cầu vay tiền mua nhà với mục đích đầu tư, đầu cơ lớn hơn nhiều. Như vậy, dòng vốn tín dụng hoàn toàn có thể thông qua kênh này gián tiếp đổ vào thị trường BĐS.
Liên quan đến tín dụng BĐS, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tăng trưởng có xu hướng giảm từ trên 26% năm 2018 xuống 11,89% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Số liệu mới nhất đến cuối tháng 11-2021, tín dụng BĐS chỉ tăng khoảng 12% so với năm trước.
Dẫu vậy, nếu xét về tỷ trọng, tín dụng BĐS hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Với 2 mũi hấp thụ tín dụng như vậy, cho vay BĐS đến nay vẫn lọt vào tầm ngắm cảnh báo của giới chuyên gia.
Trở lại với tín dụng bán lẻ, một phần nguồn này được chi cho tiêu dùng nhưng phần lớn chảy vào kênh chứng khoán. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2020 và 2021 sự nóng lên của các thị trường tài sản như BĐS, chứng khoán đã góp phần thúc đẩy tín dụng bán lẻ của các NH tăng cao.
Có lẽ vậy năm 2021 yêu cầu giảm lãi vay được đẩy mạnh và các nhà băng cũng tích cực giảm lãi suất một số lĩnh vực nhưng vẫn giữ vững được phong độ về lợi nhuận nhờ thu nhập lãi tăng đều.
Theo các thống kê, biên lãi ròng (NIM - chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa huy động và tín dụng) của các NH bình quân 3,7%, mức cao nhất từ sau năm 2011 đến nay.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục để dòng vốn luồn lách vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro không kiểm soát, lợi ích nền kinh tế hưởng được không lớn. Đi theo hướng đó, các NH có lợi vì vẫn giữ được lợi nhuận cao trong năm 2021, nhưng nền kinh tế chỉ hưởng lợi trong việc thu ngân sách từ thuế thu nhập DN, còn lại chưa thấy có lợi về tăng trưởng.
Năm 2021, NH lãi lớn trong bối cảnh DN vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,58%. Trong 2 quý đầu năm 2021 tín dụng tăng trưởng chậm chạp, GDP quý I và 2 tăng 4,72% và 6,73%. Quý IV, tín dụng tăng đến 6,36% nhưng GDP chỉ tăng 5,22%. Cả năm tín dụng tăng 13,53% nhưng GDP chỉ tăng 2,58%.
Trong bối cảnh trên, năm 2022 NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, nên việc nắn dòng vốn đi vào nền kinh tế thực là nhiệm vụ tối quan trọng của hệ thống NH.
Vốn không đi vào sản xuất kinh doanh để nền kinh tế đủ mạnh, đủ khỏe mà đi vào đầu tư, đầu cơ sẽ tiềm ẩn các rủi ro nợ xấu, bong bóng giá tài sản, áp lực lạm phát, ảnh hưởng lên sức khỏe của hệ thống tài chính NH. |