Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tặng quà cho tình nguyện viên tôn giáo tham gia chống dịch
Cống hiến sức mình
Những ngày qua, anh Hoài Bảo tất bật với công việc kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức. Đây là BV điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch.
Hàng ngày, từ 8 giờ 30, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh bắt tay vào công việc ở bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn và kết thúc lúc 17 giờ. Công việc chính của anh là phun khử khuẩn các phòng, giường bệnh khi bệnh nhân được đưa đi chụp X-quang, chuyển bệnh, bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, khi ở bộ phận chăm sóc bệnh nhân, đồng nghiệp bị bệnh hoặc mệt, anh Bảo sẵn sàng thế chỗ và có khi phải trực cả đêm. Ở bộ phận chăm sóc bệnh nhân, anh làm công việc thay tã, đút ăn, dọn dẹp phòng. Đây là những công việc trước giờ anh chưa từng làm. Cho nên ban đầu, anh Bảo có phần chưa mạnh dạn, nhưng làm riết thành quen, thích nghi với công việc hơn. “Có lúc chăm bệnh nhân gặp người không chịu ăn, tôi phải năn nỉ”, anh tâm sự.
Chia sẻ lý do tham gia làm tình nguyện viên, anh Bảo bộc bạch: “Tình cờ lên mạng thấy chùa Giác Ngộ đăng thông tin tuyển tình nguyện viên phục vụ các BV dã chiến nên tôi đăng ký tham gia. Tôi thấy mình là người con của Phật, bản thân còn trẻ, có sức lực và muốn cống hiến sức mình, chung tay cùng ngành y tế thành phố đẩy lùi dịch Covid-19”. Vì thế, dù hiện nay đã đủ thời gian phục vụ tại BV, thay vì trở về với gia đình, anh Bảo xin gia hạn ở lại thêm 1 tháng để chăm sóc bệnh nhân.
Tình nguyện viên, tu sĩ Nguyễn Văn Bình, Học viện Thánh Anphongsô (quận Bình Thạnh), hàng ngày cũng khá tất bật với công việc ở khoa dược của BV Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 (quận 7). Anh Bình cho biết, từ sự vận động của các cấp chính quyền, anh lên đường cùng mọi người hỗ trợ phần nào trong công tác phòng chống dịch. “Tôi cảm thấy rất vui, vì được sống căn tính của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, một tu sĩ của đời sống thánh hiến theo gương đức Giêsu Kitô. Đó là người đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”, anh Bình chia sẻ.
Cảm động, trân quý trước tấm lòng thiện nguyện
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết trước khi các tình nguyện viên tham gia, ngành y tế chuẩn bị kỹ kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch. Các anh chị được ưu tiên tiêm vaccine, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang khi tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc BV Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16, cho biết thêm, BV có hơn 10 tình nguyện viên tôn giáo rất năng nổ, hỗ trợ BV rất tích cực trong việc chăm sóc người bệnh. “Các tình nguyện viên cùng đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng mặc đồ bảo hộ vào khu vực điều trị bệnh nhân để chăm sóc, tư vấn tâm lý giúp người bệnh phấn chấn hơn, kiên cường hơn trong thời gian xa nhà. Chúng tôi rất trân trọng, cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của các tình nguyện viên tôn giáo nói riêng và các tình nguyện viên nói chung”, bác sĩ Vương Trọng Hiếu bày tỏ.
Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết, các tình nguyện viên có nhiều cách đóng góp, chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo về cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cũng như nhân lực trực tiếp phục vụ ở các BV thu dung, điều trị Covid-19.
Các tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch vừa góp phần giảm tải cho y bác sĩ tại các BV, vừa giúp giảm sự đau đớn, cô đơn, góp phần động viên tinh thần cho bệnh nhân khi không có người thân bên cạnh. “Trong quá trình phục vụ tuyến đầu, các tình nguyện viên không nề hà trước khó khăn. Lực lượng tình nguyện viên đã tham gia mọi công việc được giao như dọn vệ sinh, hốt rác, chăm sóc bệnh nhân… Điều này làm chúng ta hết sức cảm động và trân quý họ”, đồng chí Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đến cuối tháng 7, TPHCM tiếp nhận gần 800 tình nguyện viên các tôn giáo đăng ký tham gia phục vụ BV dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố. |