Nhiều chuyên gia nhận định tỉ lệ người được tiêm vắc xin đang tăng lên từng ngày, ngoài tác dụng phòng ngừa dịch bệnh cũng cần phải sớm tạo điều kiện để người đã tiêm đủ vắc xin được trở lại cuộc sống bình thường, nhất là được tham gia sản xuất, kinh doanh để vực dậy nền kinh tế vốn đã ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội.
Gấp rút chuẩn bị
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ngày 7-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM vừa lập tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau 15-9. Theo ông Mãi, sau ngày 15-9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
Một trong những điều kiện an toàn là người dân được tiêm vắc xin. Với "thẻ xanh vắc xin", TP.HCM sẽ từng bước nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm đủ số mũi vắc xin. Ông Mãi nhấn mạnh: "TP.HCM là thành phố dịch vụ, cho nên cách tiếp cận phải an toàn với những tiêu chí dựa trên nền tảng vắc xin và các biện pháp an toàn khác".
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng cho biết TP.HCM phải sớm tiêm phủ vắc xin và gấp rút chuẩn bị chính sách "thẻ xanh vắc xin" mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế. Theo ông Đức, chính sách "thẻ xanh vắc xin" được nghiên cứu theo hướng sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1 - 2 mũi vắc xin.
Ông Đức đánh giá một số khu công nghiệp có tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 chưa cao, đặc biệt có công nhân thực hiện "3 tại chỗ" nhưng chưa tiêm vắc xin. Ông đề nghị các đơn vị này cần khẩn trương tiêm cho người chưa tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 cho người đã tới hạn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để quay trở lại sản xuất khi TP.HCM sử dụng "thẻ xanh vắc xin".
Tại Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay sắp tới tỉnh này sẽ thực hiện "công dân vắc xin", tức là ai tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì được ra đường. "Chúng ta ráng giữ phong tỏa, giữ tầm soát là để chuẩn bị cho một ngày Đồng Nai đủ vắc xin để trở lại bình thường. Trong khi có vắc xin, chúng ta ghim một ngày là mất cả ngàn tỉ đồng. Nếu không nỗ lực tiêm, 10 ngày nữa không phủ được vắc xin, chúng ta mất thời cơ" - ông Lĩnh nhận định.
Người dân tiêm vắcxin mũi 2 tại điểm Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Thẻ xanh" song song tiêm phủ vắc xin
Ủng hộ chính sách "thẻ xanh vắc xin" của TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng đây sẽ là công cụ giúp địa phương quản lý được các nguy cơ trong bối cảnh "mở cửa dần dần", phục hồi kinh tế. Theo ông Dũng, người tiêm đủ hai mũi vắc xin chắc chắn sẽ ít mắc bệnh, nếu mắc thì bệnh không diễn tiến nặng và ít lây lan cho người khác.
Do đó việc cấp "thẻ xanh" và cho phép nhóm họp sinh hoạt, làm việc có điều kiện trong cộng đồng (nhà máy, phân xưởng, các khu kinh doanh, buôn bán...) là biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đồng thời giúp các chuỗi sản xuất cung ứng đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, không bị "đứt gãy" mỗi khi phát hiện ca F0.
Bên cạnh đó, việc áp dụng "thẻ xanh" cũng giúp cơ quan nhà nước quản lý ở các nơi đông người một cách tiện lợi, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn dịch tễ vừa đảm bảo tính riêng tư của từng cá nhân.
"Hiện nay khi người dân đến các nơi công cộng thường phải khai báo y tế kèm các thông tin tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại… rất tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Nhưng với "thẻ xanh vắc xin" có gắn mã QR, người dân chỉ cần xuất trình thẻ, các cơ quan có thể nhanh chóng nhận diện được ai có đủ điều kiện tham gia hoạt động hay không" - ông Dũng phân tích.
Đồng quan điểm, TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc cân nhắc cấp "thẻ xanh vắc xin" cho người tiêm đủ hai mũi vắc xin làm việc, từng bước ổn định đời sống, phục hồi kinh tế là điều cần thiết.
Để từng bước "mở cửa", theo ông, cần phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản. Thứ nhất, phải bằng mọi cách có được nguồn vắc xin và đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin càng sớm càng tốt. Thứ hai, phải có đủ thuốc kháng virus đặc hiệu cho F0 mắc bệnh ở những ngày đầu. Có như vậy mới giảm diễn biến nặng, giảm quá tải cho hệ thống điều trị.
Ông Vân cho rằng hiện nay Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin thấp. Do đó nếu chỉ xây dựng kế hoạch cấp "thẻ xanh vắc xin" trong khi chưa có đủ lượng vắc xin và các loại thuốc kháng virus cần thiết cho người dân sẽ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho cộng đồng.
Cần ưu tiên lao động "xanh"
Ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM - cho hay các DN đã đạt đến ngưỡng chịu đựng nên cần phải thay đổi mô hình sản xuất trong trạng thái bình thường mới có sự kiểm soát, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Trong đó nền tảng để sản xuất là công nhân đã hoàn thành 2 mũi vắc xin.
"Công ty của tôi đã có 10% công nhân tiêm mũi 2, trong tuần này sẽ tiêm mũi 2 cho toàn bộ công nhân. Các DN sản xuất khác trong các khu công nghiệp ở TP cũng đang được phủ mũi 2. Đến cuối tháng 9, chúng ta có lực lượng lao động dồi dào có nền tảng phòng vệ trước dịch bệnh khi đã tiêm 2 mũi vắc xin" - ông Việt Anh nói.
Theo ông Anh, chúng ta có lao động từng là F0 với sức đề kháng tốt và lực lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Ba nhóm lao động trên là nền tảng để DN tái hoạt động. Vấn đề cần đặt ra là xây dựng hệ thống quản lý họ thông qua công nghệ, giám sát hành trình bằng mã QR "thông hành xanh".
Các DN sẽ tự xây dựng một quy trình kiểm soát, phòng dịch một cách chặt chẽ hơn để vẫn đảm bảo 5K, tiếp tục áp dụng xét nghiệm thường xuyên tại DN, chi phí do DN chi trả. Tại khu công nghiệp, cần có một trung tâm y tế nhỏ để theo dõi, chăm sóc các trường hợp nghi vấn.
Trước mắt, cần ưu tiên cho nhóm lao động "xanh" trở lại DN theo lộ trình cụ thể, có thể nâng lên 50% công suất của nhà máy, sau đó tiến tới 100%. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ cũng áp dụng "thông hành xanh" với người lao động đã tiêm 2 mũi kèm xét nghiệm nhanh. Việc xét nghiệm này nên duy trì ít nhất 3 tháng, DN chấp nhận chi trả chi phí này để hoạt động an toàn.
TP.HCM chuẩn bị chiến lược trở lại bình thường mới
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay như vậy khi thăm và làm việc với Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt ở Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2 (TP Thủ Đức) vào ngày 8-9. Theo ông, TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới", trong đó các yếu tố quan trọng là vắc xin, thuốc điều trị và ý thức phòng chống dịch.
Ông Nên cho rằng khi mở cửa, người ra đường và người tham gia các hoạt động phải được quản lý bằng dữ liệu. "Một trong những chiến lược khi mở cửa là an toàn, muốn an toàn phải kiểm soát, muốn kiểm soát phải có dữ liệu, cả dữ liệu vắc xin và dữ liệu về F0. Tiếp tục rà soát, không được chủ quan, để kiểm soát được nguồn lây, hạn chế tối đa ca tử vong", ông Nên nhấn mạnh.