Theo báo cáo tài chính (BCTC) công ty mẹ TKV ghi nhận 51.140 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 4.936 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4%. TKV cũng ghi nhận 1.033 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 39%, chủ yếu do tăng thu cổ tức, lợi nhuận được chia. Có thể thấy lợi nhuận trước thuế của TKV có được chủ yếu đến từ chi phí lãi vay giảm mạnh. Còn trên thực tế, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này vẫn giảm sâu.
Trong nhiều năm, TKV làm ăn bết bát, thua lỗ và mất vốn. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, những thua lỗ điển hình của TKV như Công ty liên danh công nghiệp Kẽm Việt Thái thua lỗ hơn 297 tỷ đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và còn nợ đọng hơn 24 tỷ đồng. Hoặc Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên phải xử lý khoản nợ 13,7 triệu USD cho ngân hàng Eximbank Thái Lan, đầu tư thành lập CTCP Cromit Cổ Định (Thanh Hóa) không có hiệu quả, gây lãng phí 436,95 tỷ đồng.
Ngoài ra, TKV cũng đầu tư ngoài ngành 76,4 tỷ đồng vào Công ty Vận tải thủy Vinacomin. Công ty này lỗ lũy kế 140,4 tỷ đồng, làm mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả lên đến 446,5 tỷ đồng. CTCP Đóng tàu Sông Ninh nợ TKV không có khả năng thu hồi 52,6 tỷ đồng. CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà cũng khiến TKV mất vốn 47,9 tỷ đồng…
Theo Đề án tái cơ cấu TKV đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, doanh nghiệp này phải thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước tại một số công ty thành viên. Hiện TKV nằm trong danh sách chốt 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt lần cuối.
Dẫu vậy, nhìn vào thực trạng của TKV, con đường cổ phần hóa của doanh nghiệp này vẫn chưa hết gian nan. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của TKV hiện nay là vốn. Sau chuỗi thời gian dài thua lỗ liên tiếp, mất vốn, việc tái đầu tư sản xuất của KTV đòi hỏi cần phải có nguồn vốn lớn.
Chỉ riêng lĩnh vực than, ước tính trong 3 năm tới, TKV phải khai thác được thêm 20 triệu tấn than nguyên khai mới đáp ứng được phần nào nhu cầu trong nước. Để đạt được mức sản lượng này TKV phải xây dựng tối thiểu 10 mỏ mới công suất 2-2,5 triệu tấn/năm, nằm trong tổng số 28 mỏ mới Chính phủ giao.
Trong khi đó, hiện KTV đang thiếu vốn chủ sở hữu để làm vốn đối ứng theo quy định cho các dự án đầu tư khai thác than, khoáng sản. Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển ngành than đến năm 2030 cần khoảng 269.000 tỷ đồng (trung bình 17.934 tỷ đồng/năm, trong đó giai đoạn từ nay đến 2020 trung bình 19.313 tỷ đồng/năm).
Nhưng theo quy định của Luật Khoáng sản, vốn của chủ sở hữu đối ứng cho các dự án tối thiểu phải bằng 30% tổng mức đầu tư đối với hoạt động khai thác và 50% đối với hoạt động thăm dò. Do đó, với nhu cầu vốn đầu tư mới 20.543 tỷ đồng/năm, mỗi năm vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng phải có ít nhất 6.000 tỷ đồng.
Hiện mức lợi nhuận của TKV trung bình chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng trước thuế/năm, riêng sản xuất than khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Trong khi giai đoạn tới lợi nhuận trước thuế dự báo chỉ duy trì ở mức hiện hành, thậm chí có thể giảm do giá thành than ngày càng tăng cao. Theo đó, vốn đối ứng từ nguồn khấu hao cơ bản và quỹ đầu tư phát triển trích lập hàng năm sản xuất than tối đa chỉ đạt 3.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng được khoảng 50% so với yêu cầu.
Với thực trạng hiệu quả sản xuất thấp như hiện nay, việc tăng vốn chủ sở hữu cũng như huy động vốn vay thương mại cho đầu tư phát triển của TKV vẫn là điều xa vời.