Khó đủ đường
Có một thực tế là tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều điều đáng quan ngại. Mặc dù các sở, ban ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp hơn, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn cao.
Công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn chậm do tỷ lệ đáp ứng nguồn lực cho chương trình còn thấp, chỉ đạt 12,3% so với nhu cầu. Chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong công tác giải tỏa mặt bằng và cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi chỉ mới vận chuyển dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Ngay trước khi bước vào năm 2020, giới chuyên gia đã đưa ra những dự báo cho thấy tình hình trật tự ATGT trong thời gian tới sẽ càng chịu nhiều áp lực. Những dự báo đó là quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh, cùng với sự tăng mạnh của phương tiện giao thông cá nhân. Các yếu tố này sẽ tiếp tục gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, đồng nghĩa tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ còn phức tạp.
Quản lý khoa học, phù hợp thực tế
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, vấn đề kiểm soát việc phát triển các khu tập trung đông người, có nguy cơ gây ùn tắc giao thông khu vực nội đô sẽ bao gồm hàng loạt giải pháp.
Đó là tiếp tục rà soát toàn bộ các trung tâm thương mại, cao ốc, bệnh viện, trường học… ở khu vực nội đô gây ùn tắc giao thông để xem xét, điều chỉnh chức năng hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát cải tạo lại lối ra - vào các tụ điểm đông người, lắp đặt biển báo cấm dừng đậu phương tiện trên đường để hạn chế tối đa tình trạng dừng đậu tùy tiện dưới lòng đường, vỉa hè.
Rà soát lại các dự án khu dân cư đã và đang triển khai thực hiện để có kế hoạch bàn giao, tiếp nhận, cập nhật vào chỉ tiêu đất dành cho giao thông. Triển khai thực hiện việc đánh giá tác động giao thông đô thị hoặc thỏa thuận đấu nối giao thông trước khi thẩm định các đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng tập trung đông người có nguy cơ gây ùn tắc giao thông.
Đối với công tác chấn chỉnh thi công trên đường bộ đang khai thác, UBND TPHCM yêu cầu chú ý kiểm soát kế hoạch đã ban hành và tăng cường kiểm tra giám sát quá trình triển khai công tác thi công trên đường bộ đang khai thác nhằm đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị; trong đó tập trung vào việc xử phạt cụ thể đối với từng đơn vị, cá nhân có liên quan.
Yêu cầu các đơn vị triển khai thi công bằng phương pháp khoan ngầm. Kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các nhà thầu tham gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thi công trên đường bộ đang khai thác thường xuyên vi phạm tiến độ, chất lượng.
Sở GTVT TPHCM xác định sẽ thực hiện một loạt biện pháp. Cụ thể, nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, khu vực; đặc biệt tập trung vào các vị trí, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.
Hạn chế lưu thông đối với các loại ô tô vận tải hàng hóa vào ban ngày tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hạn chế taxi, phương tiện vận chuyển hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe tải nặng, xe container hoạt động theo thời gian trên một số tuyến đường.
Thường xuyên rà soát, cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn đảm bảo ATGT tại các giao lộ hay các đoạn cong. Điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn đường, đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt dải phân cách, camera giám sát giao thông…
Trên các tuyến đường trọng điểm của thành phố như quốc lộ, tuyến đường chính, đường cửa ngõ ra vào thành phố, trong thời gian tới sẽ được bổ sung thêm các biển báo hướng dẫn giao thông theo dạng cần vương, giá long môn, bảng thông tin giao thông điện tử hoặc bổ sung đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát giao thông, đo đếm lưu lượng giao thông.
Chú ý phát triển vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) để tăng năng suất vận tải với chất lượng vượt trội, gắn với sử dụng nhiên liệu sạch CNG thân thiện môi trường, tạo nên hình ảnh mới về xe buýt thành phố. Đầu tư phát triển bến bãi và các điểm trung chuyển để kết nối xe buýt với các phương thức khác theo quy hoạch và sớm hoàn thành dự án hệ thống vé điện tử thông minh trong vận tải xe buýt.
Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị. Đưa trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thành phố vào vận hành và phổ biến rộng rãi “Cổng thông tin giao thông” của Sở GTVT để người dân nắm bắt và phản ánh sự cố hạ tầng, các bất cập trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị.
Biện pháp nữa là đổi mới tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT.
Các nhóm giải pháp chính Thời gian qua, Sở GTVT đã xây dựng 7 nhóm giải pháp chính để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn. Trước hết là công tác hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Trong đó sẽ chú trọng thực hiện quy hoạch chi tiết các tuyến trục chính đô thị, nút giao thông trọng điểm, đường vành đai, đường trên cao, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, liên thông trong nội đô và kết nối với các đô thị vệ tinh, công trình đầu mối vận tải. Hoàn thiện các quy định bảo đảm trật tự ATGT về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè, thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ… Nhóm giải pháp thứ 2 là đảm bảo khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Tập trung thực hiện công tác tổ chức giao thông hiệu quả ở khu vực cửa ngõ và trung tâm; hạn chế một số loại phương tiện lưu thông theo giờ; xây dựng hàng rào bảo đảm ATGT cho người đi bộ; xây dựng cầu vượt cho người đi bộ; kiểm soát, cải tạo các lối ra vào tại các tụ điểm đông người; lắp đặt biển cấm dừng đậu để hạn chế tối đa tình trạng dừng đậu tùy tiện dưới lòng đường, vỉa hè. Chấn chỉnh công tác thi công trên đường bộ đang khai thác để từng bước hoàn chỉnh năng lực của đơn vị tham gia thi công và tiến tới sử dụng các thiết bị khoan ngầm khi thi công công trình cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông. Nhóm giải pháp tiếp theo là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, trong đó ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng công trình có tính cấp bách, trọng điểm của thành phố, góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực điểm nóng, như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các cửa ngõ. Thứ tư là nhóm giải pháp liên quan đến nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải khách và vận tải hàng hóa, cũng như quản lý nhu cầu giao thông cá nhân. Trong đó, chú ý phát triển vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) để tăng năng suất vận tải với chất lượng vượt trội, gắn với sử dụng nhiên liệu sạch CNG thân thiện môi trường, tạo nên hình ảnh mới về xe buýt thành phố. Đầu tư phát triển bến bãi và các điểm trung chuyển để kết nối xe buýt với các phương thức khác theo quy hoạch và sớm hoàn thành dự án hệ thống vé điện tử thông minh trong vận tải xe buýt. Kiểm soát phương tiện cá nhân qua việc tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề cho sự phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm ùn tắc giao thông. Nhóm giải pháp khác là tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị. Đưa trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thành phố vào vận hành và phổ biến rộng rãi “Cổng thông tin giao thông” của Sở GTVT để người dân nắm bắt và phản ánh sự cố hạ tầng, các bất cập trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị. Các nhóm giải pháp còn lại là đổi mới tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT. |