Toàn cảnh thế giới 2016 qua 10 bức ảnh

(ĐTTCO) - 2016 là một năm đặc biệt với hàng loạt những sự kiện làm chấn động cả thế giới. Từ cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ tới cuộc khủng hoảng người tị nạn phủ bóng châu Âu hay cuộc bạo loạn lật đổ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự góp mặt của đội ngũ phóng viên ảnh, những người kể với cả thế giới những câu chuyện bằng hình ảnh.

(ĐTTCO) - 2016 là một năm đặc biệt với hàng loạt những sự kiện làm chấn động cả thế giới. Từ cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ tới cuộc khủng hoảng người tị nạn phủ bóng châu Âu hay cuộc bạo loạn lật đổ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự góp mặt của đội ngũ phóng viên ảnh, những người kể với cả thế giới những câu chuyện bằng hình ảnh.

 

Chọn ra từng hàng chục nghìn bức ảnh báo chí, tạp chí TIME của Mỹ đã công bố 10 bức ảnh mà những biên tập viên kỳ cựu của họ coi là ấn tượng nhất năm. Đây thực sự là những bức ảnh biết nói, gợi nhắc cả thế giới về những gì đã xảy ra trong năm 2016.

Bé trai tuyệt vọng ở Syria

 

Karam al-Masri là tác giả của bức ảnh Bé trai tuyệt vọng ở Syria, được chụp hồi tháng 5 tại khu vực Sukkari, ngoại ô phía đông Aleppo sau vụ không kích vào một bệnh viện trong khu vực. Theo al-Masri, vụ việc xảy ra lúc 21h. Nhiều khu vực khác nhau của bệnh viện bị trúng bom và xác người nằm la liệt. Đa phần các nạn nhân là người tới khám bệnh hoặc thân nhân của họ và các nhân viên y tế.

"Tôi nhìn thấy rất nhiều thi thể bọc trong túi nhựa và không ít trong số đó không còn nguyên vẹn. Một vài phút sau đó, cậu bé này đi vào phòng để tìm mẹ và anh trai. Cậu nhanh chóng nhận ra thi thể của người anh và bật khóc", al-Masri kể lại khoảnh khắc chụp bức ảnh.

Theo lời tác giả, cậu bé đã mất tất cả người thân. Cha cậu chết không lâu trước đó và giờ đây, cậu đang gào khóc bên thi thể người anh trai. Ngày hôm sau, thi thể mẹ cậu bé được tìm thấy nhưng biến dạng tới mức không thể nhận diện. Cậu nhận ra mẹ bởi bộ trang phục bà mặc và món đồ trang sức bà đeo.

"Cậu bé khóc vào nói rằng: ‘Cháu chẳng còn ai. Ai sẽ chăm lo cho cháu, nấu cơm cho cháu ăn? Rồi cháu sẽ sống ở đâu, ai chơi với cháu’. Những tiếng nghẹn nấc của đứa trẻ khiến cả căn phòng lặng thinh. Sau đó, giám đốc bệnh viện Mohamed Kaheil, người đứng phía sau đứa trẻ tội nghiệp, cố gắng an ủi cậu bé và khẳng định mọi người xung quanh đều sẽ trở thành người thân của cậu", nhiếp ảnh gia al-Masri kể lại. 

Nỗi đau trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ở Philippines

 

Đây là đám tang Jimboy Bolasa, một nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ở Philippines. Tang lễ diễn ra vào ngày Chủ nhật, khi cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Philippines đang ở ngày thứ 35. Nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak là người có mặt giữa cuộc thanh trừng, diễn ra sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức.

"Có hai đám tang trong ngày hôm đó. Chúng tôi quyết định đi theo gia đình một nạn nhân. Thi thể Bolasa được tìm thấy cạnh xác người bạn dưới chân một cây cầu. Khi chúng tôi đến, gia đình đang chuẩn bị đưa quan tài tới nhà thờ. Đó cũng là lúc những tiếng gào khóc vang lên. Jimji, cô con gái nhỏ của Bolasa, muốn giữ quan tài ông ở nhà thay vì mang nó đi. Tiếng duy nhất người ta nghe thấy từ cổ họng cô bé là ‘Bố ơi, bố ơi, bố ơi’", Berehulak kể lại.

Theo tác giả bức ảnh, tang lễ vẫn cứ diễn ra và cô bé Jimji vẫn tiếp tục khóc cho tới khi mệt lả đi. Những gì diễn ra thực sự ám ảnh Berehulak và khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Bolasa bị tra tấn khoảng 30 tới 45 phút trước khi bị hành quyết nhưng chưa từng có cơ hội được xét xử công bằng. Những người thân của ông cũng hoàn toàn không có cơ hội bảo vệ Bolasa trước một tòa án.

Hàng nghìn người đã bị sát hại sau khi Tổng thống Duterte phát động chiến dịch thanh trừng tội phạm ma túy. Những vụ giết người xảy ra liên tiếp làm dấy lên quan ngại về nhân quyền ở Philippines. Mỹ, một trong những đồng minh thân cận nhất của Manila, cũng đã lên tiếng về vấn đề này, gây ra căng thẳng song phương.

Bắt giữ IESHIA IVANS

 

Ngày 9/7/2016, một nhóm người biểu tình tụ tập tại Trụ sở cảnh sát Baton Rouge để phản đối việc cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu Alton Sterling, người hoàn toàn không có vũ khí. Tuy nhiên, các hoạt động biểu tình bị cảnh sát chống bạo động vũ trang ngăn chặn và giải tán, khiến phần lớn người biểu tình dạt vào một công viên gần đó.

"Tôi bắt đầu chụp bức ảnh về sự đối đầu trực diện giữa cảnh sát và người biểu tình thì ai đó hô lên ‘Đừng đứng đó’. Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra khi người phụ nữ cố tình đứng để cảnh sát bắt giữ. Tôi tiến lại gần hơn và chụp bức ảnh này", Jonathan Bachman, người chụp bức ảnh được chọn, chia sẻ.

Vài ngày sau, người phụ nữ đó được thả. Cô là Ieshia Evans, một y tá 28 tuổi và là mẹ của một cậu con trai 6 tuổi.

Trở lại với nguyên nhân cuộc biểu tình, Alton Sterling bị bắn chết khi mâu thuẫn với 2 cảnh sát da trắng. Dù đã bị khống chế nhưng thay vì bắt giữ, cảnh sát liên tiếp bắn vào người Sterling. Khi nạn nhân gục xuống, họ móc trong túi quần Sterling một vật gì đó nhưng không phải là khẩu súng như họ nghi ngờ. Hai cảnh sát này bị sa thải nhưng làn sóng phản đối bùng lên khắp vùng Louisiana và làm chấn động cả nước Mỹ.

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

 

Cầu Bosphorus ở Istanbul là điểm nối giữa châu Âu và châu Á. Trong hồi trung tuần tháng 7, nó là một trong những tâm điểm của những hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ khi phe đảo chính chiếm giữ và phong tỏa công trình này trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ban đầu, sự hiện diện của các binh sĩ làm dấy lên quan ngại về một vụ tấn công hoặc các hoạt động khủng bố.

Trong 9 giờ tiếp theo, một nhóm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ tham vọng lật đổ chính quyền và đã giành được thắng lợi trong vài giờ. Tuy nhiên, quãng thời gian đó chưa đủ để tạo lên sự khác biệt. Quân đội trung thành với Chính phủ nhanh chóng giành lại thế kiểm soát và phản công lại phe nổi dậy trên tất cả các mặt trận. Hàng loạt binh sĩ đảo chính bị bắt.

Hình ảnh mệt mỏi của các binh sĩ trên cây cầu Bosphorus cho thấy dường như họ bị đánh đập sau khi hạ vũ khí đầu hàng. Bức ảnh cũng trở thành biểu tượng, cảnh báo sự đàn áp mà phe nổi dậy và lực lượng chống đối phải gánh chịu sau khi quân đội giành lại thế kiểm soát. Bản thân người chụp những bức ảnh cũng phải dùng tên giả vì không muốn nêu tên thật.

Chiếc Không lực 1 ở Cuba

 

Năm 2016 đánh một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Cuba sau khi hai nước quyết định bình thường hóa quan hệ kèm theo chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama tới thủ đô La Habana.  Với đội ngũ phóng viên đi theo đoàn, ý tưởng lớn nhất để minh chứng cho bài viết là hình ảnh chiếc Không lực 1 bay trên bầu trời Cuba. Khoảnh khắc này dễ nắm bắt nhất khi chuyên cơ chuẩn bị hạ cánh.

"Máy bay chở Tổng thống Mỹ có thể tới từ bất cứ hướng nào. Chính vì thế, chúng tôi chia nhau ra các hướng để có thể chụp lại chi tiết đắt giá. Tôi đến một khu phố gần sân bay, cách xa những tuyến phố bị chặn và nơi tập trung đông lực lượng an ninh quanh sân bay", Alberto Reyes, tác giả bức ảnh, chia sẻ.

Vận may mỉm cười với Reyes khi nơi ông đứng là hướng chiếc máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống. Nó gần tới mức tiếng động cơ được nghe thấy rõ. Hình ảnh chiếc máy bay sơn màu xanh trắng, giống với màu sơn của những chiếc xe cổ gần đó, nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Và bức ảnh thực sự là khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu chuyến thăm của Tổng thống Obama sau nhiều năm Mỹ - Cuba cắt đứt quan hệ.

Cứu trẻ di cư lênh đênh giữa biển

 

Aris Messinis được đi cùng lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha làm nhiệm vụ trên biển Địa Trung Hải, nơi tập trung những đoàn tàu chở người di cư hướng tới châu Âu nhằm chạy trốn chiến tranh, bạo lực và bất ổn nơi quê nhà. Hoạt động tại vùng biển cách Lybia khoảng 15 hải lý, nhóm cứu hộ Tây Ban Nha hết sức bận rộn khi phải giải cứu tới 3.000 đang bán mạng cho các hành trình vượt biển.

Từ sáng sớm, tàu Tây Ban Nha đã phải thực hiện việc tìm kiếm những con tàu chở người tị nạn để cung cấp áo phao cho họ. Áo phao là chìa khóa để cứu mạng người di cư trong trường hợp tàu đắm. Tuy nhiên, tàu hải quân Tây Ban Nha chỉ mang theo 2.500 áo phao trong khi có tới 3.000 người cần được giải cứu.

"Khi chúng tôi tiếp cận chiếc thuyền này, có khoảng 220 người chen chúc trên đó. Tất cả họ đều hoảng loạn và la hét cầu mong sự giúp đỡ. Họ nói rằng có nhiều người chết trong thuyền. Trong số những người còn sống có vài đứa trẻ và họ quyết định nâng chúng lên để chuyển về phía lực lượng cứu hộ với hi vọng chúng được cứu thoát, như em bé trong bức ảnh này", nhiếp ảnh gia Messinis chia sẻ.

Tác nghiệp ở nơi đám đông đang gặp nguy hiểm và rất tuyệt vọng là điều vô cùng khó khăn. Thật đáng buồn là trong thế kỷ 21, vẫn còn tồn tại những con tàu chở đầy nô lệ lênh đênh giữa biển. Những bức ảnh là cách để thế giới hiểu được những gì đang diễn ra giữa Địa Trung Hải trên hành trình đi tìm miền đất hứa.

Người tị nạn vật vờ như những bóng ma

 

Hàng trăm nghìn người đang chạy trốn cuộc chiến ở Trung Đông – Bắc Phi qua biển Aegean, ngăn cách Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Phương tiện đi lại chủ yếu của họ là những con thuyền ọp ẹp. Qua được cửa tử, đoàn người di cư tiếp tục lếch thếch đi bộ qua nhũng vùng nông thôn châu Âu, sống trong những căn lều tạm hay tồi tệ hơn là bị ngăn chặn bởi hàng rào kẽm gai và sự đàn áp của những chính phủ nằm trên đường họ đi qua.

Trong ảnh là một nhóm người tị nạn đứng dọc biên giới Hy Lạp và Macedonia, chờ tới lượt nhận suất ăn miễn phí trong một buổi chiều mưa. Hình ảnh này gợi nhắc tới một cuộc khủng hoảng thời Trung cổ đang xảy ra giữa thế kỷ 21. Cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng chưa có dấu hiệu kết thúc bất chấp nỗ lực của các nước châu Âu.

Tâm trạng tuyệt vời của Trump

 

Phóng viên ảnh Evan Vucci đảm trách nhiệm vụ theo dõi diễn biến tại Hội nghị toàn quốc đảng Cộng hòa và đặc biệt để mắt tới ông Donald Trump, người đánh bại các ứng viên khác để giành vé của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong suốt giai đoạn này, những phóng viên phải tất bật từ rất sớm và di chuyển nhiều tới mức họ không kịp nhận ra mình đang ở đâu.

Tuy nhiên, bức ảnh của Vucci khiến ông rất nhớ. Trong hậu trường, gương mặt ông Trump tươi tỉnh đến lạ thường. Nó cho thấy vị tỷ phú New York đang thực sự cảm thấy vui vẻ, phấn khởi. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông Trump như vậy và xấu hổ mà nói, tôi cũng biết rất ít về người đàn ông này. Tôi phá vỡ các định kiến để có thể tìm ra sự thật và mô tả chính xác về nó", Vucci mô tả về quá trình tác nghiệp.

Trước khi chụp bức ảnh này, Vucci phải len qua đám đông vây quanh Trump, vốn được bảo vệ vòng trong bởi lực lượng mật vụ Mỹ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy ông Trump đứng trên ghế, nó ngoài sức tưởng tượng của Vucci. "Đây là điều cuối cùng tôi có thể nghĩ một ứng viên tổng thống có thể làm", Vucci chia sẻ.

Nụ cười tia chớp

 

Trong vòng thi bán kết tại Thế vận hội Olympic 2016, nụ cười của ngôi sao điền kinh người Jamaica Usain Bolt trở thành tâm điểm của cả thế giới. Phóng viên Cameron Spencer của Getty đã ghi được khoảnh khắc "Tia chớp" cười khi quay mặt về phía ống kính và đang dẫn đầu đường đua. Bức ảnh thể hiện sự tự tin của ngôi sao người Jamaica.

"Tôi chẳng nhận ra sự khác biệt cho tới khi nhìn vào những bức ảnh mình đã chụp. Khi các vận động viên khác dồn sức cho cuộc đua, Bolt vẫn có thời gian quan sát xung quanh và mỉm cười dù không quên nhiệm vụ cán đích đầu tiên", phóng viên Spencer chia sẻ. Ở thời điểm hiện tại, Jamaica Usain vẫn là tên tuổi nổi tiếng nhất trong làng điền kinh thế giới.

Bão tuyết nhìn từ vũ trụ

 

Trong danh sách bình chọn của TIME, bất ngờ có tên một phi hành gia thay vì những phóng viên ảnh thông thường. Bức ảnh bão tuyết nhìn từ vũ trụ là tác phẩm của Scott Kelly, chụp từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Những bức hình thời tiết chụp từ không gian của Kelly cho phép người dân ý thức được tốt hơn về "cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên".

Bức ảnh bão tuyết ập vào nước Mỹ cũng được chụp trong bối cảnh tương tự. Tuy nhiên, bức hình được chụp trong điều kiện không thuận lợi. Trạm ISS bay qua nước Mỹ khi màn đêm đã buông xuống nên việc chụp ảnh trở nên khó khăn. Chính bản thân phi hành gia Kelly cũng không thể ngờ được tác phẩm của mình ra sao tới khi xem lại nó.

Các tin khác