Cần phải giảm sự phụ thuộc lẫn nhau và hội nhập giữa các quốc gia. Và con đường tốt nhất hiện nay là kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, theo đuổi khả năng tự cung tự cấp trong một số ngành công nghệ quan trọng, và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên đối thủ bất kể các quy tắc trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, quá trình giảm sự phụ thuộc lẫn nhau này đã đưa thế giới đến tình trạng lạm phát gia tăng, thiếu hụt lao động, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, kéo theo những cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Vậy trong một xu hướng đó, liệu kịch bản nào cho thương mại toàn cầu mà các quốc gia như Việt Nam tham gia cũng như hệ thống tiền tệ nào được lựa chọn cho chuỗi thương mại đó?
Xu hướng toàn cầu hóa trong bối cảnh mới
Phải đến thế kỷ 19, hội nhập toàn cầu mới phát triển. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa đó cuối cùng cũng suy yếu và sụp đổ trong Thế chiến thứ I, sau đó là chủ nghĩa bảo hộ sau chiến tranh, cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ II. Sau Thế chiến thứ II, vào giữa những năm 1940, Mỹ đã dẫn đầu các nỗ lực phục hồi thương mại và đầu tư quốc tế theo các quy tắc cơ bản được thương lượng. Giới tinh hoa phương Tây đã có niềm tin rằng thương mại có lợi cho hòa bình và ngược lại.
Bảng 1: Độ mở thương mại và GDP của các nước G7
(Xuất khẩu + nhập khẩu/GDP)
(Xuất khẩu + nhập khẩu/GDP)
Qua đó, quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng và những tiến bộ kinh tế nhất định. Bảng 1 cho thấy xu hướng toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng và độ mở nền kinh tế của các nước G7 trong vai trò dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa. Trên thực tế, quá trình toàn cầu hóa này đã suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Tỷ trọng thương mại trong GDP thế giới bắt đầu giảm sau năm 2007, do tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc đã giảm mạnh 16 điểm phần trăm. Vào năm 2007, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc là 35,43%, và đã giảm còn 18,5% vào năm 2020. Chuỗi giá trị toàn cầu đã ngừng mở rộng và hiện đang dịch chuyển giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, liệu kỷ nguyên toàn cầu hóa sẽ kết thúc khi thế giới đối mặt dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến Nga-Ukraine? Hiện nay, hoạt động thương mại toàn cầu được đẩy xuống vị trí thứ yếu và thúc đẩy các mục tiêu quốc gia lên vị trí quan trọng - đặc biệt là sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia.
Hình 1: Độ mở nền kinh tế Việt Nam 1986-2020. Nguồn: The World Bank.
Khi mục tiêu của toàn cầu hóa nhằm thực hiện một nguyên tắc về lợi thế so sánh của một quốc gia, thì sự phát triển toàn cầu hóa lại tạo ra một nguyên tắc khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia, thông qua việc thúc đẩy nền kinh tế sản xuất ra những gì mà những quốc gia giàu có hơn đang có nhu cầu. Kết quả là tạo ra những xung đột giữa các chính sách can thiệp.
Ngày nay, với sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một đối thủ địa chính trị và cuộc xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược của Mỹ trong lựa chọn an ninh quốc gia hơn là lợi ích hợp tác kinh tế quốc tế.
Điều này đặt thương mại toàn cầu với 2 kịch bản: tồi tệ và ít mong đợi của những thập niên 1930 khi một nước/nhóm nước rút lui khỏi quá trình sản xuất; và một khả năng ít tồi tệ hơn chính là quyền lợi tối cao của địa chính trị vẫn được duy trì, nghĩa là chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ trở thành một đặc điểm nổi bật trong thương mại và tài chính toàn cầu.
Hình 2: Thặng dư trong cán cân thương mại của Việt Nam.
Sự lựa chọn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế
Kịch bản đầu tiên trong thương mại toàn cầu sẽ tạo ra những tổn thất kinh tế rất lớn mà các quốc gia lớn đang kiểm soát tình huống trong việc quản trị những xung đột, và Việt Nam nên nghĩ về một kịch bản thứ hai. Theo đó Việt Nam nên đạt được sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và yêu cầu của toàn cầu hóa.
Nghĩa là Việt Nam tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng để thu hút đầu tư, thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế từ hoạt động xuất khẩu, theo cách tiếp cận sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Và với chiến lược này, không tránh khỏi những tác động bất lợi từ hoạt động thương mại toàn cầu mà các nền kinh tế lớn áp đặt.
Do vậy việc quản trị các mối quan hệ này với các nước lớn trong thương mại toàn cầu rất quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Đó là bước đầu tiên phải tạo ra sự cân bằng trong thương mại quốc tế giữa các nền kinh tế để tránh những thiệt hại do những lệnh trừng phạt đơn phương gây ra.
Một trong 4 nguyên nhân của sự suy giảm trong thương mại toàn cầu (Dani Rodrik, 2022), là vấn đề phân phối lại thu nhập từ lợi ích toàn cầu hóa (Anthea Roberts, Nicolas Lamp, 2021). Bài học quan trọng của lý thuyết kinh tế là thương mại mang lại lợi ích cho đất nước, khi các mối quan hệ về phân phối được giải quyết.
Và một trong những cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam sau đợt dịch lần thứ 4 là hoạt động xuất khẩu. Từ tháng 9-2021 đến nay, thặng dư thương mại đã cải thiện (hình 2), nhưng liệu những lĩnh vực này được hỗ trợ gì từ những chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch, hay như từ sự mở rộng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước?
------------
Tài liệu tham khảo
1. Anthea Roberts, Nicolas Lamp, Six Faces of Globalization: Who Wins, Who Loses, and Why It Matters, Harvard University Press, 2021.
2. Dani Rodrik, Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy, Princeton University Press, 2017.
3. Dani Rodrik, A Better Globalization Might Rise from Hyper-Globalization’s Ashes, project-syndicate.org, May 2022.
Tài liệu tham khảo
1. Anthea Roberts, Nicolas Lamp, Six Faces of Globalization: Who Wins, Who Loses, and Why It Matters, Harvard University Press, 2021.
2. Dani Rodrik, Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy, Princeton University Press, 2017.
3. Dani Rodrik, A Better Globalization Might Rise from Hyper-Globalization’s Ashes, project-syndicate.org, May 2022.