Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6, XK tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Giá trị XK tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị XK đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%.
Nửa đầu năm nay, XK tôm sang Trung Quốc & HK đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sang thị trường này sau khi giảm trong tháng 5, đã tăng trở lại trong tháng 6.
Tương tự, 6 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm trong tháng 5, XK tôm sang Mỹ tăng trở lại trong tháng 6.
Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.
VASEP dự báo, nhu cầu NK tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý 3 năm nay khi các nhà NK tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 229 triệu USD và 149 triệu USD, giảm lần lượt 3% và 10% so với cùng kỳ. Tại thị trường này, tôm Việt vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador.
Nhu cầu NK của thị trường Nhật và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Đối với thị trường EU, sau quý I, XK tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, XK tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, XK sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu NK tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.
VASEP đánh giá, đối mặt với nhiều khó khăn, các DN XK tôm luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình. Ví dụ như thị trường Hoa Kỳ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh.
Do đó, hầu hết DN đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có DN thì chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.
Nửa cuối năm, kỳ vọng các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại. Nếu tất cả sự kỳ vọng diễn ra theo kịch bản có lợi cho con tôm thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành tôm năm 2024.