Bùng nổ giảm giá
Khởi đầu cho chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) đã phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ ngày 1-6 đến hết năm 2020. Hưởng ứng chiến dịch này, các địa phương, doanh nghiệp đều đồng lòng vào cuộc. Nhiều địa phương đã tung ra chương trình giảm giá vé các điểm tham quan.
Như tại Huế, khi khách đến tham quan di tích sẽ được giảm giá vé 50% (đến hết 31-7). Hay tại Đà Nẵng từ nay đến hết 31-8, du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các bảo tàng sẽ được miễn phí 100% giá vé tham quan…
Các tập đoàn lớn có nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, khách sạn như Sun Group, Vingroup cũng sớm tham gia chiến dịch giảm giá, kích cầu du lịch, mang đến cơ hội nghỉ dưỡng với giá mềm chưa từng có cho du khách. Tiêu biểu như Vinpearl và VinWonders đã công bố liên tiếp 3 chương trình khuyến mại Mega Sale, Summer Deal và Đại khuyến mại, với mức ưu đãi tối đa cho các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoặc kỳ nghỉ trọn gói, áp dụng trên toàn hệ thống với 45 cơ sở.
Đáng chú ý là chương trình đại khuyến mại “Du lịch Free - Book Vinpearl đi”, với 7 gói ưu đãi hấp dẫn chưa từng có. Du khách có thể lựa chọn một trong các “đặc quyền”: hoàn tiền 100% qua hình thức ghi nhận tín dụng tại chỗ, miễn phí vé máy bay khứ hồi hay vui chơi giải trí không giới hạn…
Tương tự tập đoàn Sun Group cũng tung ra những chương trình khuyến mại ngay từ tháng 5. Cụ thể, Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) giảm giá vé cáp treo 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc (đến 28-6); Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) giảm giá vé cáp treo 60% cho người dân 19 tỉnh miền Trung - Tây nguyên. Đặc biệt, từ 15-5 đến 15-7, Bà Nà Hills tiếp tục áp dụng combo mua vé cáp treo tặng vé buffet cho du khách…
Cuối tháng 5 vừa qua, Sun Group còn cho ra mắt 2 sản phẩm du lịch độc đáo là thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam đã được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận tại Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), và giai đoạn I khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Bản đầu tiên của Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh, tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Một đợt giảm giá khủng từ các hãng hàng không, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, các điểm tham quan… đã giúp các hãng lữ hành tung ra nhiều tour du lịch nội địa với mức giảm giá mạnh. Như Công ty Du lịch Vietravel tiên phong khởi động lại thị trường du lịch, với gói kích cầu lên tới 60%.
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) triển khai chương trình khuyến mại quy mô lớn lần 2 (từ ngày 1-6 đến 30-9). Theo đó, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi lên đến 50% khi sử dụng các dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực, giải trí… của Saigontourist Group.
Trong khi đó, đánh giá về những chương trình liên minh, kích cầu giảm giá thời gian này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định: “Phải liên minh kích cầu làm sao trong 2 tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau 4 tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế”.
Liên kết vùng, tìm sản phẩm mới
Liên kết vùng, tìm sản phẩm mới
Theo một khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 do Tổng cục Du lịch thực hiện, có tới 53% người tham gia khảo sát sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này; 32,5% có dự định đi trong năm nay và chỉ khoảng 14% chưa sẵn sàng để đi du lịch. Đây được xem là cơ hội vàng để ngành du lịch phá băng thị trường. |
Như mới đây đã diễn ra cái bắt tay mới giữa 3 đối tác là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. 3 địa phương này đã có gần 10 năm liên kết phát triển du lịch. Tuy vậy sau dịch Covid -19 sự liên kết mới sẽ hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch.
Tại TPHCM, trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, cũng đang nỗ lực làm mới mình để thu hút hơn 10 triệu dân của TP và người dân các tỉnh lân cận đến du lịch. Bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp (DN) lữ hành thiết kế những tour vừa quen vừa lạ với người dân và du khách, TP cũng đẩy mạnh các liên kết vùng.
Cụ thể, UBND TPHCM vừa giao Saigontourist phối hợp với các cơ quan chức năng của TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, tổ chức khảo sát các điểm đến, tiềm năng tài nguyên của các địa phương, hình thành các sản phẩm mới và xây dựng ít nhất 3 sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra TP cũng có kế hoạch tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Thực tế, điểm yếu cố hữu lâu nay của du lịch Việt Nam là các sản phẩm đơn điệu, sao chép lẫn nhau. Kích cầu giảm giá rất cần thiết, nhưng nếu sản phẩm quá đơn điệu sẽ rất khó thu hút du khách lâu dài.
Nhìn vào các tour du lịch của các hãng lữ hành dễ nhận thấy sự na ná giống nhau. Những ý tưởng mới thường chẳng duy trì được bao lâu, sự sao chép, ăn theo đã trở thành vấn nạn trong ngành, làm thui trột mong muốn sáng tạo sản phẩm. Còn du khách có rất ít cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới nhất là trải nghiệm theo xu hướng cá nhân.
Điều này chắc chắn sẽ làm hạn chế sự hấp dẫn của các chương trình kích cầu. Người dân có thể háo hức trong giai đoạn đầu, nhưng lâu dần khi các thị trường nước ngoài cũng khống chế được dịch, du khách có thể tiếp tục chọn du lịch nước ngoài như xu hướng tất yếu lâu nay.
Trong buổi trao đổi mới đây giữa các DN du lịch, hiệp hội, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và giải pháp du lịch Outbox Consulting, cho rằng Việt Nam nên học hỏi Thái Lan.
Hiện Thái Lan đang tung ra chương trình “We love Thailand” có nhiều khác biệt với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Cụ thể, Thái Lan lấy sự mới lạ của những trải nghiệm địa phương, hay những điểm đến mới làm nền tảng để kích cầu thị trường nội địa trong một khoảng thời gian khá dài 1-2 năm.
Còn Việt Nam kích cầu bằng giải pháp khá cũ là giảm giá trong ngắn hạn, không có nhiều sản phẩm mới được định hình cụ thể và rõ ràng.
Cần sự chung tay của Nhà nước
Những nỗ lực của các DN trong ngành du lịch, từ hàng không, lưu trú, vui chơi giải trí, lữ hành đang cố gắng hết sức mang lại mức giá tốt nhất cho người dân để kích thích mọi người đi du lịch nhiều hơn. DN đều hiểu rõ rằng thà lỗ mà có khách còn hơn là khách không có nhu cầu. Nhưng du lịch cũng là ngành có nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid -19, đến nay tiếp tục chịu lỗ để kéo khách.
Giám đốc một DN lữ hành đánh giá, thời điểm dịch Chính phủ ban hành nhiều chính sách cho DN và người lao động. Du lịch luôn được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, nhưng khi gặp khó nhiều nhất lại không được hưởng chính sách riêng. Vẫn biết lúc khó khăn DN, ngành nghề nào cũng cần hỗ trợ, nhưng việc chia những nhóm ngành, nhóm DN, với những độ tổn thương khác nhau, để có những chương trình hỗ trợ cụ thể là cần thiết.
Bên cạnh chính sách cho DN, một số ý kiến cũng đề xuất Nhà nước nên kéo dài kỳ nghỉ hè để ngành du lịch có thêm thời gian khai thác, thêm cơ hội hồi phục. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước phải được thể hiện rõ nét hơn trong việc xúc tiến quảng bá du lịch ngay tại thị trường nội địa.
Việc Việt Nam từng bước khống chế được dịch Covid -19 là điều kiện thuận lợi để khôi phục hoạt động du lịch. Nhưng để du lịch thực sự bật trở lại cần có sự chung tay của Nhà nước, địa phương và DN. Sự phục hồi của du lịch thông qua du khách trong nước sẽ trở thành bàn đạp thuận lợi để thu hút khách quốc tế trở lại, khi tình hình dịch bệnh được khống chế ở nhiều nước trong khu vực và thế giới.