Tổng lực kích cầu tiêu dùng cuối năm

(ĐTTCO) - Mùa mua sắm lớn nhất trong năm đang đến gần, nhưng những lo lắng về việc làm, thu nhập và chi phí gia tăng có thể khiến người tiêu dùng siết lại các khoản chi, đồng thời có nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm. 
Tổng lực kích cầu tiêu dùng cuối năm

Siết chi tiêu, tăng tìm khuyến mại

Bước vào siêu thị GO! (quận Gò Vấp, TPHCM) với một danh sách sản phẩm cần mua cho gia đình, nhưng khi nghe nhân viên nói ngày mai sẽ có đợt giảm giá mạnh nhiều mặt hàng, chị Thu Trang (quận 12, TPHCM) đã quyết định ra về để ngày mai quay lại. Chị cho biết từ vài tháng nay khi mua sắm chị luôn ưu tiên chọn sản phẩm có khuyến mại giảm giá, nhất là những đợt giảm giá sâu của siêu thị. Thực tế, những khách hàng có tâm lý tìm kiếm các sản phẩm khuyến mại, giảm giá như chị Trang đang khá phổ biến.

Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, NTD đang có những thay đổi trong hành vi mua sắm theo hướng tối ưu hóa chi phí mua sắm của gia đình. Để làm được như vậy NTD lựa chọn chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm, đặc biệt tăng tìm kiếm khuyến mại. Có tới 49% NTD tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mại hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar WorldPanel Việt Nam, cho biết thu nhập, việc làm và chi phí gia tăng đã ảnh hưởng đến tất cả nhóm thu nhập kể cả hộ gia đình có thu nhập cao. Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, NTD đang có xu hướng lựa chọn theo tiêu chí: ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu. 66% cho hay định cắt giảm chi tiêu giải trí bên ngoài, tiếp đến là giảm ăn ngoài và sắm thiết bị gia dụng.

Những thay đổi trong hành vi mua sắm của NTD đã khiến 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân khách hàng. Không chỉ ngành hàng nhỏ, ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Điều này cho thấy việc giữ được giá trị trong mắt NTD vô cùng quan trọng.

Thực tế chương trình hỗ trợ giảm 2% thuế VAT không tác động nhiều đến NTD trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay, còn DN vẫn phải giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam quý III đã có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường lao động theo đó cũng xuất hiện nhiều đốm sáng hơn. Song báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III tăng 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trước nhiều thách thức dự báo NTD chưa có dấu hiệu nới lỏng các hạn chế chi tiêu trong mùa Tết 2024. Họ sẽ không cắt chi tiêu những mặt hàng thiết yếu và quà tặng, nhưng sẽ có xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

DN chạy đua khuyến mại, giảm giá

Trước bối cảnh khuyến mại, giảm giá đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của NTD khi mua sắm, DN không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn thúc đẩy sức mua, nhất là khi dịp cuối năm đang tới gần. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho biết công ty đã có những chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng cho Tết Giáp Thìn.

Theo đó ở nhóm ngành thực phẩm tươi sống VISSAN chuẩn bị 1.100 tấn hàng hóa (tăng 5% so với cùng kỳ), nhóm ngành hàng chế biến 3.800 tấn, tương đương cùng kỳ. “Để kích cầu tiêu dùng, từ tháng 9 đến nay công ty đều thực hiện khuyến mại, giảm giá. Cụ thể vào mỗi cuối tuần sẽ có các chương trình giảm giá 10-30% tùy mặt hàng và chương trình này sẽ kéo dài tới Tết. Đặc biệt, những ngày cận Tết sẽ có thêm nhiều chương trình giảm giá sâu khác” - ông Dũng chia sẻ.

Không nằm trong nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên không kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng các sản phẩm cà phê nông sản của MeetMore với ưu thế có thể làm các sản phẩm quà tặng Tết, nên ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc MeetMore, cũng hy vọng sức tiêu thụ mùa cuối năm sẽ cải thiện. Và không đứng ngoài đường đua giảm giá, sản phẩm mùa Tết của MeerMore dự báo giảm khoảng 30% tùy sản phẩm và thời điểm.

Theo ông Luận, tâm lý người tiêu dùng hiện nay là thích giảm giá sâu nên DN không thể làm khác. Ông Luận cho biết thêm, không phải đến cuối năm mới tính bài toán giảm giá, khuyến mại, mà những tháng trước cũng theo cùng các chương trình khuyến mại lớn của Sở Công Thương TPHCM để kích thích sức mua.

Về chương trình khuyến mại tập trung của TPHCM nhằm kích thích sức mua, năm nay chương trình này tập trung đợt 1 kéo dài 3 tháng (từ 15-6 đến 15-9) và lần đầu tiên có sự kiện khuyến mại hàng hiệu. Có hơn 3.000 DN, với khoảng 7.200 hoạt động khuyến mãi hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung đợt 1. Số lượng DN tham gia chương trình này tăng 7,5% và số lượng hoạt động tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2022. Trong đó có khoảng 30% chương trình khuyến mãi thực hiện ưu đãi vượt 50%.

Phía Sở Công Thương TPHCM cho biết ngoài cố gắng bình ổn giá bán, sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi có quy mô lớn, thời gian kéo dài hơn các năm, nhằm kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các đợt khuyến mãi tập trung. Hiện nhiều hệ thống bán lẻ như Saigon Coop, MM Mega Market… cho biết sẽ có nhiều chương trình giảm giá kích thích sức mua từ nay đến cuối năm, đặc biệt giáp Tết Nguyên đán 2024 sẽ tăng khuyến mại sâu.

Bán được hàng là điều DN nào cũng mong muốn, song khi giá nguyên liệu đầu vào luôn có xu hướng tăng, việc giữ giá bán đã là thách thức. Nhưng không giảm giá sâu lại không bán được hàng nên không ít DN cũng cảm thấy “đuối”. Dự báo vòng khó khăn này còn kéo qua tới 2024.

Vì thế, trước thông tin Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2024, thay vì kết thúc cuối năm nay, nhằm hỗ trợ DN, người dân, không ít ý kiến cho rằng thuế VAT không nên giảm nửa năm mà nên kéo dài hết năm sau.

Thực tế trước đợt giảm 2% thuế VAT 6 tháng cuối năm 2023 rất nhiều DN, chuyên gia cũng đề xuất nên kéo dài giảm thuế đến hết 2024 để phục hồi sức mua của người dân và sức khỏe của DN.

Các tin khác