Cuộc bầu cử tại Israel ngày 9-4 được đánh giá là phép thử đối với đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu với các chính sách ngày càng cứng rắn.
Ông Netanyahu đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Israel 4 nhiệm kỳ với tổng thời gian nắm quyền hơn 13 năm, vượt qua cả Thủ tướng đầu tiên David Ben-Gurion, người đóng vai trò quan trọng trong thành lập Nhà nước Israel.
Ông Netanyahu tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ năm trong bối cảnh phải đương đầu với áp lực chính trị lớn khi Tổng Chưởng lý Israel Avichai-Mendelblit đang xúc tiến kế hoạch truy tố ông trong 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri cánh hữu đánh giá cao Thủ tướng Netanyahu khi ông nêu lập trường “Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel”, thung lũng Jordan sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Israel, cho dù Palestine khẳng định chủ quyền đối với khu vực này.
Poster các ứng viên của cuộc bầu cử
Ngay sát thời điểm bầu cử, ông Netanyahu tuyên bố sẽ mở rộng chủ quyền của Israel bằng cách sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây vào lãnh thổ Israel nếu ông tái đắc cử. Bên cạnh đó, các động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này và mới nhất là công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan thuộc về Israel cũng được đánh giá là giúp ông Netanyahu cùng đảng Likud gia tăng sự ủng hộ của cử tri.
Đối thủ chính của Thủ tướng Netanyahu là ông Benny-Gantz (59 tuổi), cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, Chủ tịch đảng Xanh-Trắng, đảng liên minh mới được thành lập tháng 2-2019. Ông Benny-Gantz nêu khẩu hiệu “Enough is enough” (tạm dịch: Đủ rồi) để thuyết phục cử tri chọn một lãnh đạo mới cho đất nước và cho rằng ông Netanyahu nên dừng lại vì các cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Ông Benny-Gantz thúc đẩy đối thoại với các lãnh đạo Arab để giải quyết vấn đề Palestine, bảo vệ lợi ích an ninh của Israel, quân đội tự do hành động bất cứ tại đâu, không đơn phương rút khỏi một số khu định cư tại Bờ Tây, trưng cầu dân ý các quyết định ngoại giao quan trọng và phải được quốc hội thông qua, tiếp tục củng cố các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, thung lũng Jordan là biên giới an ninh phía Đông của Israel, Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel, duy trì đặc trưng Do Thái của Israel...
Quốc tế quay lưng với Israel
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ sáp nhập Bờ Tây bị Israel chiếm đóng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Phát biểu này cùng với quan điểm cứng rắn về các quan hệ với các nước Arab tiếp tục gây ra nhiều phản ứng.
Ngày 7-4, Ngoại trưởng Nam Phi thông báo nước này đã hạ cấp đại sứ quán tại Tel Aviv, sau khi đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đưa ra quyết định về việc này hơn một năm trước đây. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nam Phi Lindiwe Sisulu cho biết, tiến trình hạ cấp đại sứ quán đã được tiến hành. Theo đó, Nam Phi sẽ không bổ nhiệm một đại diện cấp đại sứ tại Israel và văn phòng đại sứ quán tại Tel Aviv sẽ hoạt động như văn phòng liên lạc. Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine.
Trong khi đó, luật pháp quốc tế xem Bờ Tây và Đông Jerusalem là vùng Israel chiếm đóng của Palestine và coi tất cả các hoạt động xây dựng khu định cư của người Do Thái ở đó là bất hợp pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: Bờ Tây là một lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng trái với luật pháp quốc tế. Theo ông, tuyên bố vô trách nhiệm của ông Netanyahu nhằm tìm kiếm phiếu bầu ngay trước khi cuộc tổng tuyển cử ở Israel không thể và sẽ không thay đổi thực tế này.