Đây là cách tiếp cận mới, khác với những gì nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia đặt ra cho TPHCM. Để nhận diện rõ hơn vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, người có rất nhiều năm nghiên cứu về quản trị đô thị của các nước trên thế giới và hiểu sâu về bối cảnh TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời gian qua đã có nhiều cuộc hội thảo và các chuyên gia nhận định Nghị quyết 54 (NQ54) của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM có nhiều vấn đề phức tạp, kết quả chưa như mong muốn, thậm chí rất hạn chế. Do đó, đã đề xuất phải ban hành chính sách đặc thù riêng cho TPHCM, trong đó nhấn mạnh cần phân quyền mạnh mẽ, rõ ràng và triệt để cho TPHCM. Nhưng xem ra cách tiếp cận này dường như chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ ngành. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Điều quan trọng nhất phải hiểu được bản chất hệ thống quản lý của mỗi mô hình, nếu không các đề xuất hay giải pháp sẽ không đi tới đâu. Mô hình quản lý của Việt Nam là tập trung hóa cao, mọi chủ trương đường lối, chính sách xuất phát từ một trung tâm, hay nói rõ hơn từ trên, Quốc hội và Chính phủ, còn các tổ chức bên dưới như tỉnh, thành và các cấp thấp hơn là nơi triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách vào bối cảnh cụ thể của địa phương mình. Địa phương có quyền sáng tạo, đổi mới nhưng không vượt ra khỏi nguyên tắc chung và lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.
Điểm mạnh và tích cực của mô hình này là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất một khối về tổ chức và ý chí, loại trừ được các tư tưởng và hành động ly khai, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tham nhũng. Các nguồn lực (vốn, tài nguyên, nhân lực, vốn xã hội) tập trung về một mối, được phân bổ theo kế hoạch có sự kiểm soát. Mọi quyết sách khi ban hành được bàn thảo, cân nhắc ở cấp cao nhất và có tham khảo cơ sở. Khi nó thành kế hoạch, chương trình rộng khắp, được các bộ ngành chức năng và chính quyền cơ sở hiểu như nhau về nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chí, lộ trình và giới hạn.
Thống nhất cao, đó là đặc trưng của mô hình quản trị quốc gia trong thể chế chính trị nước ta hiện nay. Do vậy, mong muốn có được “cơ chế đặc thù dành riêng cho TPHCM” hay “phân quyền triệt để sâu rộng”, là điều khó được chấp nhận trong giai đoạn hiện nay.
- Vậy theo ông nên hiểu phân quyền như thế nào? Ý kiến của ông về cách tiếp cận mới của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên?
- Trên thế giới, nói đến phân quyền là hiểu “phân quyền theo lãnh thổ", có nghĩa trên địa bàn của anh (thống đốc bang, thị trưởng TP) anh có quyền làm tất cả mọi việc để phát triển bang, hay TP. Người ta thường gọi đó là “chế độ thị trưởng”.
Người đứng đầu bang, TP được dân bầu lên qua tranh cử có quyền lập ra các quy định như thuế, phí, trật tự an ninh, môi trường; được sử dụng các nguồn lực của địa hạt mình; được quyết định nhân sự và nhiều lĩnh vực khác cho phát triển. Tuy nhiên, ông ta không phải muốn làm gì cũng được, bởi còn có Hội đồng TP và sự tín nhiệm của người dân, bởi người dân có quyền phế truất ông ta qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các kế hoạch và chương trình hành động của người đứng đầu phải luôn theo hành lang pháp lý và các nguyên tắc cứng của quốc gia, như không được phản bội lợi ích quốc gia và nhân dân…
Mô hình này có điểm yếu là rất dễ ly khai, cục bộ địa phương và dễ lệch pha với phần còn lại của quốc gia. Các chính sách khác biệt nhau, mâu thuẫn nhau giữa chính phủ và các bang, TP ở Mỹ, Canada trong các giải pháp chống dịch Covid-19 vừa qua là thí dụ. Việc phân quyền, phân cấp của Việt Nam là phân quyền thực thi và phân cấp chịu trách nhiệm. Do vậy, mô hình “phân quyền tự quyết theo lãnh thổ” không phù hợp với Việt Nam.
Về cách tiếp cận mới của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay đó là cách tiếp cận tốt nhất, đúng nhất, dễ chấp nhận và mềm dẻo. Tôi đánh giá cao sáng kiến này. Hiện ngoài TPHCM, có hàng chục tỉnh, thành và địa phương muốn có cơ chế đặc biệt cho riêng mình, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang, Phú Quốc, các tỉnh ĐBSCL…
Đứng ở tầm vĩ mô mới thấy nếu địa phương nào cũng đòi hỏi “đặc biệt, đặc thù” sẽ rất khó cho việc điều hành ở tầm quốc gia, dù địa phương nào cũng có những lý do đặc biệt cần được ưu tiên, như TPHCM là đầu tàu kinh tế, hay Lai Châu, Hà Giang là nơi phên dậu của Tổ quốc...
TPHCM mạnh dạn đề xuất Trung ương chọn TPHCM để triển khai thực hiện thí điểm những vấn đề mới, những vấn đề cần thiết phát sinh trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có nghĩa là, TPHCM sẽ đăng cai để Trung ương thực hiện thí điểm những vấn đề mới, rút kinh nghiệm thực hiện chung cho cả nước. Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN |
Chính vì thế, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đưa ra ý tưởng nên tìm ra những vấn đề mới, quan trọng nhất đề xuất lên Trung ương và kiên trì đeo bám để có kết quả, là bước đi phù hợp, tốt hơn là đòi cả thể chế riêng biệt.
Thật ra, việc đưa ra các vấn đề đơn lẻ rồi đeo bám, tiếp cận đến các bộ ngành, giải trình thuyết phục thông qua nhiều kênh như diễn đàn Quốc hội, hội nghị, hội thảo, truyền thông, công văn, tờ trình… không phải là mới, vì TPHCM đã làm từ nhiều năm nay và đã thành công.
Chẳng hạn, việc tăng ngân sách từ 18% lên 23% là thí dụ điển hình. Cái mới lần này là hình thành nên chủ trương, cách tiếp cận mang tính hệ thống và thống nhất trong toàn Đảng bộ. Tôi thấy ông Nguyễn Văn Nên có cách tiếp cận khá khoa học trong các vấn đề phức tạp. Thí dụ, khi huyện nào cũng muốn tiến thẳng lên TP, ông đưa ra quan điểm rất rõ ràng, là lên quận hay TP không quan trọng mà quan trọng nhất là “chất lượng sống của người dân ra sao?”.
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề xuất 5 nội dung được coi là những vấn đề mới, theo ông có phù hợp với bối cảnh hiện nay?
- 5 nội dung Bí thư Nguyễn Văn Nên đưa ra, bao gồm quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, công tác tổ chức cán bộ và TP Thủ Đức. Cả 5 nội dung này đều là những vấn đề cấp bách của TPHCM, tuy nhiên trong 5 nội dung này cần xác định rõ cái nào cần ưu tiên trước, lộ trình ra sao, cách tiếp cận theo hướng nào, cơ quan nào của TP chịu trách nhiệm, nếu cùng lúc tung ra cả 5 thì ôm đồm, phân tán nguồn lực tiếp cận. Mặc dù không tách bạch. Nhưng Bí thư Thành ủy đã nói rõ quan điểm của mình một cách đúng nguyên tắc nhưng lại rất mềm dẻo.
Chẳng hạn, về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, TPHCM kiến nghị phân cấp cho UBND TP được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều đó có nghĩa Trung ương dành cho TPHCM quyền phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị không phải xin các bộ, ngành liên quan như trước nay, nhưng Bí thư Thành ủy xác định rất rõ ràng là mọi hoạt động của TPHCM phải “nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt”.
Đó chính là cách tiếp cận mới, được tự do hành động trong khuôn khổ và hành lang pháp lý, và sự phê duyệt của Thủ tướng được coi là pháp lệnh và nguyên tắc cho người hành động. Đó chính là phân quyền có nguyên tắc.
- Có ý kiến cho rằng mỗi thể chế chính trị có mô hình quản lý khác nhau, không thể thay thế, chuyển đổi được. Do vậy, Việt Nam không thể thay đổi mô hình quản lý đô thị và quản trị quốc gia như các nước phát triển được. Ý kiến của ông thế nào?
- Điều này không đúng. Chúng ta đang sống trong thời đại mở cửa hội nhập và nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, muốn phát triển chúng ta phải thay đổi để làm ăn với bạn bè khắp thế giới, tức chúng ta có cái riêng biệt nhưng cũng có cái chung giống người ta.
Về thể chế chính trị, chúng ta không thay đổi phương thức lãnh đạo, cơ cấu hệ thống, nguyên tắc vận hành quốc gia, nhưng chúng ta hoàn toàn thay đổi về kỹ thuật và các bộ phận cấu thành. Nền chính trị và kinh tế nước ta là thống nhất, nhưng hợp thành bởi các bộ phận khác nhau, chúng chính là các module trong hệ thống. Do vậy, việc thành lập mới, xóa bỏ, thay thế hay cải biến các module trong hệ thống hoàn toàn có thể làm được.
Còn về mặt kỹ thuật chúng ta đang thay đổi rất nhanh và ngoạn mục. Theo đó, trong rất nhiều lĩnh vực chúng ta tiếp cận theo kênh của các nước phát triển ở trình độ ngang bằng với thế giới, như hải quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng, du lịch, chứng khoán. Nếu không thay đổi làm sao chúng ta có được hàng triệu khách du lịch quốc tế, hàng ngàn nhà đầu tư lớn từ các nước đến Việt Nam.
Hiện chúng ta đang tiến hành chuyển đổi sang xã hội số ở tầm quốc gia, là bằng chứng cho thấy sự thay đổi ở một phần hệ thống đang được thực thi. Nếu khác biệt chúng ta không thể chơi được với bạn bè thế giới. Như vậy có thể khẳng định các nguyên tắc chính trị thuộc về thể chế không thể thay đổi, nhưng những gì thuộc về cục bộ và kỹ thuật thay đổi được. Đó chính là cơ sở khoa học để TPHCM tiến hành các bước đi đột phá mà không mâu thuẫn với chính thể quốc gia.
- Ông tin TPHCM sẽ thành công theo hướng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề ra?
- Tôi tin là thành công. Bởi trong chuyến làm việc với TPHCM cho thấy sự sốt ruột của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông nói vai trò đầu tàu, động lực phát triển, sức lan tỏa, dẫn dắt liên kết các tiểu vùng trong vùng Đông Nam bộ và với các vùng khác trong cả nước có dấu hiệu chững lại, thậm chí phần nào bị suy giảm. Do vậy, những đề xuất của TPHCM nhằm tạo đột phá trên tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước” sẽ nhận được sự ủng hộ từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên con đường đi chắc sẽ rất vất vả, như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ngày 27-7 trong chuyến công tác tại TPHCM, rằng bất cứ vấn đề nào được cho quá thẩm quyền của tỉnh, thành phải báo cáo, giải trình bằng văn bản và con đường đi của văn bản, mà theo lời của Thủ tướng “rất lòng vòng, có khi 6 tháng, 1 năm chưa đến được Thủ tướng Chính phủ do cơ chế chính sách còn vướng mắc nhiều lắm”. Vì thế TPHCM cần xác định tâm thế kiên trì và mềm dẻo.
Cũng cần nhấn mạnh sự thành bại còn tùy thuộc rất lớn vào việc TPHCM có được đội ngũ các nhà tham mưu giỏi, chuyên gia tầm cỡ, có tầm và có tâm, mới giúp lãnh đạo TP thực hiện được ý tưởng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
- Xin cảm ơn ông.