TP Thủ Đức sau hơn 1 năm thành lập - Sẽ phải quy hoạch lại tổng thể

(ĐTTCO) - TP Thủ Đức ra đời (sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức) được kỳ vọng trở thành đô thị mới có tương tác sáng tạo cao, hướng đến đô thị thông minh, trở thành cực tăng trưởng mới của TPHCM. 
Một góc TP Thủ Đức sau 1 năm thành lập. Ảnh: ĐÔNG GIANG
Một góc TP Thủ Đức sau 1 năm thành lập. Ảnh: ĐÔNG GIANG
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thành lập, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, TP non trẻ này vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua trên con đường phát triển.
Tương tác trực tuyến, trả hồ sơ tại nhà dân
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đến thời điểm này TP đã sắp xếp lại bộ máy hành chính, nhân sự của tất cả cơ quan, đơn vị. Bộ máy đã được tổ chức ổn định và bắt đầu vận hành. Hiện công tác tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn triển khai bình thường.
Ở 3 khu vực (3 quận cũ trước đây) vẫn bố trí 3 điểm tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính. Đến cuối ngày, các điểm này sẽ chuyển về trụ sở UBND TP, thực hiện các nội dung liên quan quản lý nhà nước và chứng thực, xác nhận hồ sơ, xử lý các thủ tục hành chính của người dân, DN. Chính quyền TP đã tăng cường thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3, 4 và có chương trình thu nhận và trả hồ sơ tại nhà.
Để thực hiện mục tiêu "Xây dựng TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại-nghĩa tình, phát triển nhanh bền vững", UBND TP Thủ Đức đã triển khai việc hợp tác với các đơn vị của TPHCM như Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao, Sở Khoa học - Công nghệ...
Tháng 9-2021 TP Thủ Đức đã ra mắt Trung tâm IOC (giai đoạn 1) phục vụ điều hành 9 lĩnh vực và 1 phân hệ điều hành dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Đến nay, TP Thủ Đức đã kết nối, trích xuất và lưu trữ dữ liệu trực tuyến từ các ứng dụng/phần mềm đang được sử dụng vào kho dữ liệu chung của IOC (thông qua các API), cũng như liên kết hệ thống biểu đồ (dashboard) nhằm trực quan hóa dữ liệu phục vụ công tác giám sát. 
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một trong những công việc liên quan đến rất nhiều người dân, DN trên địa bàn, cũng có nhiều bước cải tiến. Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức Lê Thành Phương cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, văn phòng từng bước gom về một đầu mối để giải quyết hồ sơ cho người dân.
TP Thủ Đức cũng đang kiến nghị cho Chi cục Thuế Thủ Ðức được phân cấp quản lý toàn bộ hoạt động DN trên địa bàn, trừ khối DN nước ngoài (FDI). Việc này sẽ tạo thuận lợi trong quản lý DN, theo đó DN không phải ra khỏi địa bàn Thủ Ðức để làm thủ tục. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử sẽ phục vụ cho người dân tốt hơn.

Thách thức trước mắt và lâu dài
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, hiện đang rà soát lại quy hoạch và xin Trung ương cho ý kiến các quy hoạch tổng thể để tạo ra những lợi thế về không gian phát triển mới. Trên nền tảng đó, TP Thủ Ðức sẽ kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện bồi thường, thu hồi đất để lập các dự án quy mô lớn, nhằm tạo ra sức hút đầu tư và có những giá trị gia tăng mới.
Bên cạnh đó, những khu vực cũ đã có quy hoạch tiếp tục đầu tư để đổi mới khoa học-công nghệ, đổi mới năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh… Một trong những thách thức lớn cho Thủ Đức hiện nay là không ít khu dân cư tự phát, manh mún tồn tại nhiều năm, một số đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị được phê duyệt lâu không còn phù hợp với thực tiễn DN xin điều chỉnh. Vấn đề này gặp nhiều khó khăn.
 Ngoài ra, để đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội tốt cho Thủ Đức trong những năm tới, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật xã hội cần phải được đầu tư tương xứng. Hiện tại, các cửa ngõ đi vào Thủ Đức, như cao tốc TPHCM -Dầu Giây-Long Thành, đường Đồng Văn Cống kết nối với Cát Lái (Đồng Nai), Quốc lộ 13 kết nối với Bình Dương… đều đã quá tải hoặc chưa được đầu tư mới.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của TP Thủ Đức, theo đó quy hoạch phải đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số… Những yêu cầu này đang đặt ra cho TP Thủ Đức rất nhiều thách thức.
Hiện TP Thủ Đức đang khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung được UBND TPHCM phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý đô thị giữa chính quyền TPHCM và TP Thủ Đức, Trung ương nên cho phép TPHCM được tự chủ thiết kế cơ chế phân cấp, ủy quyền giữa TPHCM và TP Thủ Đức cho phù hợp với tính chất của đô thị này.
Chính phủ nên trao quyền hành pháp trực tiếp cho TP Thủ Đức. Đồng thời, TPHCM nên phân cấp, ủy quyền mạnh cho TP Thủ Đức, cũng như cân nhắc đề xuất áp dụng mô hình đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt, hay đề xuất thẩm quyền tương đương với cấp tỉnh đối với TP Thủ Đức. Nếu lựa chọn tương đương cấp tỉnh sẽ rất nhanh vì mô hình này đã có sẵn, còn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt rất lâu mới có vì quá mới mẻ. Trước mắt, TP Thủ Đức cần tập trung đảm bảo tiến độ hoàn thành Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2040 định hướng 2060.
TP Thủ Đức là đơn vị thực hiện mô hình "TP trong TP" trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Trên thế giới, nhiều thủ đô cũng thuộc tỉnh, dù thẩm quyền của thủ đô có khi còn lớn hơn tỉnh. Do đó nên chọn phương án đề xuất coi TP Thủ Đức tương đương cấp tỉnh, với chế độ chính sách như cấp tỉnh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho TP Thủ Đức tập trung nguồn lực, nhân sự, phân công tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. 
 Quy hoạch Thủ Đức phải tạo động lực phát triển lâu dài
Tại hội thảo đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức tổ chức cuối tuần qua, hầu hết ý kiến cho rằng, để TP Thủ Đức tạo đột phá trong thời gian tới, hạ tầng giao thông là vấn đề cần quan tâm đầu tư hàng đầu, tạo sự kết nối cao, nhanh, thuận tiện giữa các vùng, tạo sự tương tác nhanh giữa con người với con người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền… thông qua hệ thống viễn thông hiện đại, đồng bộ.
Trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cho TP Thủ Đức có 3 yếu tố giữ vai trò then chốt là con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Thủ Đức là nơi có rất nhiều trường đại học, viện, khu công nghệ cao đang thu hút nguồn nhân lực có trình độ tập trung học tập, làm việc khá đông, đây là  thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt, nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định quy hoạch đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong những bước đột phát để TP Thủ Đức phát triển trong thời gian tới. Hiện nay hàng hóa tại các cảng đi qua địa bàn Thủ Đức gần như quá tải, gây ùn tắc giao thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao… Vì thế, cần khôi phục lại quy hoạch tuyến đường sắt trên cao chở hàng hóa kết nối từ ga Sóng Thần - cảng Cát Lái (từ cảng Cát Lái- kết nối Cái Mép-Thị Vải, từ Cát Lái kết nối cảng Hiệp Phước và cảng Tân Lập Long An).
B. Minh

Các tin khác