Tuy nhiên, nhiều năm qua, tài sản này gần như được sử dụng “miễn phí” hoặc đóng phí nhưng không có sự thống nhất, đồng bộ ở nhiều tuyến đường, địa phương, gây thất thoát, lãng phí, mất mỹ quan đô thị, trật tự, an toàn giao thông.
Chính vì vậy, dự thảo đề án về mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh do Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất, một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đề xuất của ngành giao thông, đối với việc sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè sẽ có mức thu từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.
Trong đề xuất của mình, ngành giao thông cũng nhấn mạnh, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố còn hướng đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là các tuyến đường trung tâm; tạo an toàn cho người tham gia giao thông; giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố…
Theo tính toán, tổng mức thu ước tính đạt được là 1.522 tỷ đồng/năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm. Toàn bộ số tiền từ nguồn thu này sẽ nộp vào ngân sách để thực hiện duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Nhiều người dân, chuyên gia khi nhận thông tin từ đề án của ngành giao thông thành phố đã lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với lý do, lòng đường, hè phố là tài sản của Nhà nước. Nếu việc thu phí bảo đảm được tính minh bạch, công khai sẽ mang lại nguồn thu lớn để sử dụng vào việc kiến thiết cơ sở hạ tầng đường bộ cho thành phố.
Theo các chuyên gia, để đề án triển khai hiệu quả, đồng bộ, công khai, công bằng, cơ quan chức năng nên thực hiện việc thí điểm tại một số tuyến đường khi hội đủ các điều kiện như diện tích, trật tự giao thông, đơn vị quản lý chặt chẽ...; sau đó, mới nhân rộng ra toàn thành phố để đúc rút những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chính quyền cũng cần tính toán kỹ, bám sát thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thực tế nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh tại thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vỉa hè, thậm chí còn có tình trạng bảo kê, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Do đó, chủ trương chấn chỉnh, quy hoạch vỉa hè hợp lý, tránh bát nháo, mạnh ai nấy chiếm dụng, tạo được nguồn thu cho thành phố trên cơ sở đồng thuận của người dân, công bằng, công khai và quản lý chặt chẽ, hiệu quả là chính đáng, là điều cần thực hiện để bảo đảm những thiết chế khác của xã hội được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn.