Trong vắng, ngoài đông
Từ khi Bến xe Miền Đông (mới) ở TP Thủ Đức (TPHCM) đi vào hoạt động, hàng trăm xe khách đã bỏ bến ra ngoài, một số không ít tham gia đội “xe dù” đã làm gia tăng nạn “xe dù, bến cóc”. Cùng với những “bến cóc” di động dọc theo các tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 13, hiện nay nhiều trạm dừng chân, điểm trung chuyển, bãi đỗ xe… cũng tổ chức đón, trả khách, giao nhận hàng hóa, trở thành những bến xe khách mi ni.
Các bến xe mi ni trá hình mọc lên ở nhiều nơi, không chỉ trên các tuyến quốc lộ mà còn ở khu vực trung tâm TPHCM, như tại đường Lê Hồng Phong (quận 10), An Dương Vương (quận 5), quốc lộ 13, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức)…
Một trong những điểm hoạt động của Công ty TNHH vận tải T.C (quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức)
Đồng thời, những ngày cuối năm, khu vực Bến xe Miền Đông (cũ) ở quận Bình Thạnh xuất hiện nhiều bến xe khách trá hình, chèo kéo hành khách đi xe. Theo ghi nhận, bến xe khách trá hình ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh sau một thời gian hoạt động cầm chừng thì nay hoạt động rầm rộ trở lại.
Tại điểm này, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đón, trả khách. Phương tiện, hành khách ra vào tấp nập. Những tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông (cũ) như Nguyễn Xí, quốc lộ 13 cũng đã mọc lên nhiều bến xe mi ni. Bãi đỗ xe máy, phương tiện thi công công trình giao thông ở số 13 đường Nguyễn Xí cũng được sử dụng làm điểm đón, trả khách.
Anh Nguyễn Bảo Đức, hành khách đang chờ đi xe miền Trung, tâm sự: “Biết đi xe ngoài bến là thiếu an toàn, nhưng lại không phải mất công bắt xe ra bến mới, mà giá vé cũng như khi ra bến”. Quốc lộ 13 đoạn từ giao lộ với Nguyễn Xí đến chân cầu Bình Triệu chỉ có mấy trăm mét nhưng có đến chục điểm đón, trả khách, giao nhận hàng hóa. Từ 3-4 giờ chiều, hành khách tụ tập thành nhóm ở hai bên đường, thùng xốp, va li xếp cao chờ lên xe.
Cạnh trạm xăng dầu Lan Anh (số 220 quốc lộ 13, quận Bình Thạnh) là điểm đón, trả khách, hàng hóa của Công ty TNHH Vận tải Thành Công và Công ty TNHH Vận tải Đăng Khôi. Nét mặt lo âu, anh Nguyễn Chí Cường, hành khách chờ lên xe, nói: “Cả trăm con người với các loại hàng hóa lỉnh kỉnh chen chúc bên trạm xăng đang hoạt động, thật quá nguy hiểm. Chỉ một hành khách hút thuốc sơ ý thì không biết hậu quả sẽ thế nào”.
Lơi lỏng kiểm tra, giám sát
Trước khi di dời Bến xe Miền Đông (cũ) ra bến xe mới, tần suất hoạt động của các xe chạy các tuyến thuộc phạm vi di dời là 711 lượt/ngày, với 11.990 hành khách. Hiện nay, con số này chỉ còn 178 lượt/ngày, trên 2.500 khách, những ngày cao điểm cũng chỉ lên đến 258 lượt, không bằng 50% bến cũ.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết, các đơn vị vận tải đã lợi dụng kẽ hở pháp luật để lập các trạm trung chuyển, điểm dừng chân, bãi đỗ xe… nhưng lại đón, trả khách, giao nhận hàng hóa thay vì phải vào bến.
Một bến xe khách trá hình bên cạnh trạm xăng dầu Lan Anh (quốc lộ 13, quận Bình Thạnh, TPHCM)
Chủ xe bỏ bến chuyển ra chạy ngoài không phải vì giá phí vào bến cao mà nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, làm gia tăng số lượng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. Điển hình là Công ty TNHH Vận tải T.C, đang chạy tuyến Bình Phước - TPHCM.
Tại TPHCM, ngoài quầy vé ở 292 Đinh Bộ Lĩnh (Bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh) và quầy vé ở 395 An Lạc (Bến xe Miền Tây, quận Bình Tân), doanh nghiệp này còn có các trạm dừng chân ở số 834 quốc lộ 13 và 90 quốc lộ 1A (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), 2555 quốc lộ 1A (phường Tân Hưng Thuận, quận 12), 96 An Dương Vương (phường 9, quận 5), 363 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10), 222 quốc lộ 13 (phường 26, quận Bình Thạnh)…
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), tình trạng bến xe khách trá hình nở rộ là do quy định pháp luật chưa chặt chẽ, cơ quan chức năng lơi lỏng kiểm tra, giám sát. Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT (quy định về tổ chức, quản lý vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ) cho phép các đơn vị, doanh nghiệp vận tải lập điểm dừng chân, trung chuyển hay bãi đỗ xe nhưng lại thiếu quy định, quy chế kiểm tra, giám sát.
Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để chuyển thành điểm đón, trả khách, giao nhận hàng hóa không khác gì một bến xe khách. Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã có kế hoạch siết chặt việc đón, trả khách sai quy định và định kỳ hàng quý Ban An toàn giao thông có đánh giá vấn đề này. Thành phố quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tuy nhiên cần bổ sung các quy định, chế tài để khắc phục tình trạng trên.