Nhân viên y tế Bệnh viện Bình Dân đang chăm sóc người bệnh
Chiều 24-8, đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021, chính sách pháp luật về BHYT giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 30 của Quốc hội tại Sở Y tế TPHCM.
Tại đây, nhiều khó khăn vướng mắc về công tác thanh, quyết toán, mua sắm các vật tư y tế, thuốc trong danh mục BHYT được các cơ sở y tế nêu ra và kiến nghị các giải pháp khắc phục để hướng tới chăm sóc, điều trị cho người bệnh tốt hơn. Đặc biệt, lãnh đạo ngành y tế cũng bày tỏ nhiều nỗi trăn trở của ngành, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề nhân sự điều dưỡng.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế gặp khó khăn do biến động về nhân lực. Lãnh đạo Sở Y tế ngày nào cũng ký giải quyết nghỉ việc, đa số là các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cán bộ y tế nghỉ trên 2.000 người chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Thống kê của ngành y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 891 viên chức nghỉ việc.
Mặc dù tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người) nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng cần có thời gian để thực hành, tập sự. Các bệnh viện chưa bao giờ khó tuyển dụng như hiện nay, nhất là nhân lực điều dưỡng.
“Theo yêu cầu phải có 3 điều dưỡng/1 bác sĩ nhưng hiện tỷ lệ này chưa đạt, chỉ đạt từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Tỷ lệ điều dưỡng giảm dẫn đến chất lượng chăm sóc người bệnh sẽ giảm”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thừa nhận và cho rằng, cần có chính sách giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế.