TPHCM: Các cửa ngõ vẫn căng thẳng trong ngày 25 tháng Chạp

(ĐTTCO) - Trong ngày 4-2 (25 tháng Chạp), các bến xe, sân bay Tân Sơn Nhất và khắp các cửa ngõ TPHCM ùn ứ kéo dài do người dân về quê đón Tết Giáp Thìn.

Sáng sớm 4-2, trên tuyến Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, khu vực cửa ngõ về các tỉnh miền Tây bị ùn ứ nghiêm trọng kéo dài hàng km.

Dòng phương tiện đông đúc nối đuôi nhau di chuyển rất chậm. Đặc biệt, Quốc lộ 1 ùn tắc kéo dài và lan sang các tuyến đường như Kinh Dương Vương (Bình Tân), Tỉnh lộ 10, Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh)... Dòng xe khách, xe tải, xe gắn máy nhích từng chút một.

Hầu hết các tuyến đường cửa ngõ TPHCM về hướng miền Tây ùn ứ nghiêm trọng. Ảnh: QUỐC HÙNG

Kẹt xe trên đường hướng về miền Tây. Ảnh: QUỐC HÙNG

Ngược về hướng miền Đông, các tuyến đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng ùn ứ kéo dài. Căng thẳng nhất tại nút giao thông An Phú, cả hai hướng ra và vào cao tốc TPHCM - Long Thành, ô tô xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển rất khó khăn.

Cách đó không xa, đường Nguyễn Duy Trinh hướng vào Cảng Phú Hữu (TP Thủ Đức), Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh)... các phương tiện cũng di chuyển khó khăn.

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường cũng chật cứng xe. Bên trong nhà ga trước quầy vé, đông đúc hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục bay. So với hôm qua, hành khách làm thủ tục thuận lợi hơn, số lượng chuyến bay bị chậm đã giảm do thời tiết tại các sân bay phía Bắc đã tốt lên.

Hành khách vất vả chờ chuyến bay. Ảnh: QUỐC HÙNG

Hàng ngàn hành khách chờ chuyến bay. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, lượng khách qua đây hôm nay tương đương hôm qua, với khoảng 128.000 người với khoảng 900 chuyến bay. Trong đó, số chuyến bay tập trung lớn ở ga quốc nội. Trong 3 ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, thời tiết xấu ở khu vực phía Bắc khiến 659 chuyến bay bị chậm giờ khi xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, từ 0 giờ ngày 1-2 đến 16 giờ ngày 4-2 đã khai thác hơn 2.000 lượt chuyến bay cất cánh. Trong đó, có khoảng 700 chuyến bay bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ gần 64% so với tổng số chuyến bay khai thác.

Hãng Vietjet Air đứng đầu về tỷ lệ chậm giờ với 257/344 chuyến, chiếm hơn 74%. Vietnam Airlines cũng có 209/352 chuyến chậm giờ, chiếm hơn 59%. Đây là 2 hãng có tỷ lệ khai thác lớn nhất.

Ngoài ra, một số hãng như Jetstar Pacific cũng có 44/63 chuyến bị chậm (chiếm 70%), Bamboo Airways có 43/75 chuyến (chiếm 57%)... Cùng với trễ giờ, 3 ngày qua có 40 chuyến bay bị hủy vì thời tiết xấu.

Các tin khác