Quang cảnh buổi họp báo
Theo đó, Diễn đàn kinh tế TPHCM do UBND TPHCM chủ trì, tổ chức vào ngày 15- 4 sẽ là cơ hội để lãnh đạo TP trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố, giúp doanh nghiệp thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.
Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 sẽ có chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”. Diễn đàn sẽ xoay quanh 4 chủ đề chính là: “Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TPHCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TPHCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; “Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp”; “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”. Diễn đàn này là sự kiện quốc tế thường niên của thành phố. Tại đây, không chỉ các chuyên gia, doanh nghiệp mà các cá nhân và tổ chức có thể đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số, phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật, kinh tế số, góp phần đồng thời đẩy mạnh xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.
Đánh giá về đóng góp kinh tế số vào phát triển kinh tế thành phố, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận xét, kinh tế số đóng góp 14,4% GRDP của TP. Với mục tiêu về tỷ lệ đóng góp GRDP 2025 đạt 25%, và đạt 40% vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi bởi tốc độ tăng trưởng của kinh tế số luôn duy trì ở mức 2 con số. Cũng phải nói thêm rằng, trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, công nghệ số hóa, kinh tế số đã lan tỏa rất nhanh trên toàn cầu, trong doanh nghiệp và đời sống xã hội. Do vậy, nếu thành phố không có sự tiếp cận, ứng dụng phù hợp sẽ lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Dự kiến diễn đàn sẽ có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, địa phương, các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...) và các tổ chức quốc tế như WEF, OECD…
Trước đó, TPHCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt trong việc chuyển đổi số. Hiện thành phố hình thành trung tâm tư vấn kết hợp xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ số cho doanh nghiệp. Đồng thời thành phố đã phối hợp Ngân hàng thế giới xây dựng 8 nhóm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế. TPHCM cần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế thành phố nhưng hiện chỉ có 140.000 tỷ đồng. Do vậy, nguồn lực tài chính cần để thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm tới thiếu rất nhiều. Chính vì thế, TPHCM sẽ tập trung huy động mạnh nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực tài chính từ quốc tế để hỗ trợ tăng tốc phát triển.