Tại hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều doanh nghiệp đưa ra một số kiến nghị thiết thực để cùng thành phố vượt bão Covid-19, thực hiện thành công mục tiêu kép: chống dịch và duy trì sản xuất.
Khổ vì “ngăn sông cấm chợ”
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, chia sẻ, doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thực phẩm đang gặp khó khăn kép. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào từ mua trong nước đến nhập khẩu tăng quá khủng khiếp. Đặc biệt, DN đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường.
Đợt tái dịch lần thứ 4 này còn xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” tại nhiều địa phương với TPHCM.
“Mới sáng nay thôi (10-6), chúng tôi nhận được báo cáo là xe chở hàng hóa về tỉnh Bạc Liêu, đi qua TPHCM thì tỉnh yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính đối với tài xế, hiệu lực của giấy xác nhận chỉ có giá trị 72 tiếng.
Còn tại An Giang giấy xét nghiệm quy định có giá trị 24 tiếng, nghĩa là chở hàng về không được ở lại. Trước thì Đồng Nai quy định cách ly người về từ TPHCM, sau đó rút lại. Một số tỉnh xa khác, xe chở hàng đến nơi không vào được do giấy xét nghiệm âm tính của tài xế đã hết hạn…
Hiện tại, Công ty Bidrico hay Vissan đưa hàng đi tỉnh đều “dính chưởng” các quy định kiểu này”. Ông Hiến bức xúc dẫn chứng và đề nghị TP sớm có văn bản trao đổi với các địa phương, thống nhất quy định để không ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa của DN.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để duy trì chuỗi cung ứng hàng lương thực - thực phẩm không bị đứt gãy, nhưng việc các tỉnh siết chặt yêu cầu phòng dịch khiến việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu gặp quá nhiều trở ngại”.
Đồng quan điểm, ông Trần Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết việc vận chuyển hàng hóa đang gặp trở ngại do những quy định thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Tài xế chở hàng của chuỗi siêu thị Saigon Co.op đều có xét nghiệm âm tính, và chỉ có giá trị 72 tiếng, nhưng vận chuyển đường xa, xe đến nơi là hết thời gian, khiến DN tốn thêm nhiều chi phí để chuyển tiếp hàng hóa.
Vaccine sớm được ngày nào, DN sản xuất sử dụng nguồn lao động lớn yên tâm ngày đó.
Hiện tại, Sở GTVT TP đã phối hợp Sở Công thương TP cấp phép sử dụng xe trong các giờ cao điểm để đưa hàng hóa kịp thời từ các tỉnh về TP. Nhưng thực tế, việc vận chuyển hàng hóa từ các kho trung tâm ở khu vực phía nam phân phối cho các kho hàng hóa của Saigon Co.op trên cả nước gặp nhiều khó khăn, vì các quy định thiếu đồng bộ tại các địa phương.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Tổng giám đốc MP Logistics, lưu ý vấn đề thời gian giao hàng. DN nhận nhiều đơn hàng, nhưng nếu nhà máy có những ca F1, F0, việc bảo đảm giao hàng đúng hẹn là rất khó.
Ngoài ra, bà Phương cũng kiến nghị tạm ngưng thu những loại phí đường bộ theo quy định mới.
Bà nói: “Chúng tôi kiến nghị cần giảm ngay việc thu phí xa lộ Hà Nội đang tăng chi phí lên cả tỷ đồng cho DN mỗi tháng, phí hạ tầng cảng biển dự kiến sẽ thu ngày 1-7 tới, hay quy định lắp camera hành trình với xe tải của Bộ GTVT cũng nên lùi lại, bởi nếu lắp, mỗi DN vận tải tốn tiền tỷ để làm chứ không phải tiền trăm triệu.
Lúc này không nên tăng thu các phí cho DN nữa mà phải giảm. Chẳng hạn, phí bảo trì đường bộ hiện một xe container chạy ra đường cũng lên đến 17,6 triệu đồng/năm, nên giảm 50% trong đợt dịch thứ 4 này. Còn chuyện tăng thu các khoản phí khác tôi kiến nghị nên tạm hoãn ít nhất 1 năm nữa”.
Bài toán vaccine
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn, nhấn mạnh trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4, Việt Nam là điểm sáng trong chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều đơn hàng từ các nước đã chuyển về Việt Nam nhờ việc khống chế dịch thành công của mình.
Thế nhưng, nay tình hình xảy ra bất ngờ ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy các khu công nghiệp đang là mối lo ngại đối với các nhà mua hàng nước ngoài.
“Nếu TPHCM không sớm có chương trình vaccine ưu tiên cho người lao động trong các nhà máy. Nếu bùng phát dịch, những thành quả DN và các ngành nỗ lực trong thời gian qua đổ sông đổ biển. Điều đáng lo hơn là các đơn hàng quay lại Trung Quốc nếu không duy trì đà tăng từ năm ngoái khi Trung Quốc bị gián đoạn nguồn cung”, ông Việt Anh nói.
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP 32, cho biết dù đã hết sức cẩn thận, thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn, nhưng DN của ông vẫn có 2 trường hợp công nhân từ F1 trở thành F0 do lây nhiễm từ nơi trọ. Hiện DN đã phải tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 6.
“Chúng tôi chuyên sản xuất các mặt hàng giày dép xuất khẩu, phải làm việc tại chỗ, không thể làm online, trong khi công nhân lại sinh sống phân tán tại nhiều nơi trong khu vực nên nguy cơ bị nhiễm dịch rất cao. Chúng tôi mong muốn cơ quan y tế đánh giá mức độ tuân thủ an toàn của DN, để có thể sớm hoạt động trở lại.
Ngoài ra, TP sớm chỉ đạo triển khai nguồn vaccine thế nào theo hướng thương mại, để DN có thể mua tiêm cho công nhân. Sớm được ngày nào, DN sản xuất sử dụng nguồn lao động lớn yên tâm ngày đó”.
Đồng quan điểm, đại diện Saigon Co.op cũng băn khoăn nguy cơ lây nhiễm trong quá trình tham quan mua sắm trong siêu thị rất lớn. Hiện DN đã tạm ngưng phục vụ tại 16 cửa hàng ở TPHCM, do có ca F0 đã từng mua sắm.
“Việc này ảnh hưởng đến doanh thu, chúng tôi đề nghị các sở ngành tham mưu sau bao nhiêu ngày, các cửa hàng này mở bán lại được. Tất nhiên, DN đã có tất cả các phương án đảm bảo, phun khử trùng, sử dụng đội ngũ nhân sự khác để thay thế”, vị này đặt câu hỏi.
Trong phần trả lời các thắc mắc, kiến nghị của DN sau đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định TP đang nỗ lực để đưa nguồn vaccine về tiêm cho toàn dân. Dự kiến trong năm nay, TP sẽ tiêm đủ cho khoảng 2/3 người dân trên địa bàn TP, số còn lại sẽ sang năm 2022.
3 kịch bản cho TPHCM
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp tại TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), đã có nghiên cứu và đưa ra 3 dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong năm nay. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khả quan nhất có thể đạt là 6,37%.
Mức thấp nhất là 4,9% khi dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 8 TP mới có thể khống chế dịch bệnh, đến hết tháng 9 ước đạt 5,02% và cả năm sẽ đạt 4,9% so với cùng kỳ.
Ở kịch bản trung bình, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 7 TPHCM kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì trong trạng thái phục hồi, TP có khả năng nối lại một số đường bay quốc tế và kích cầudu lịch nội địa…, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng sẽ đạt 5,26%, và cả năm sẽ đạt 5,53%.
Kịch bản thứ 3 được coi là “đẹp nhất”, trong điều kiện TP khống chế được dịch Covid-19 trong quý II-2021, song song với việc tập trung xử lý các điểm nghẽn về đất đai, thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội.
Đặc biệt, DN chủ động được nguồn nguyên liệu, khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia và các quốc gia trên thế giới dần kiểm soát được dịch bệnh… lúc đó, tăng trưởng GRDP 9 tháng của TPHCM sẽ đạt 5,74% và cả năm sẽ đạt 6,37% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân cho biết sự tính toán các kịch bản đều được xây dựng dựa trên “chìa khóa vaccine"- con đường duy nhất để “thế giới trở lại bình thường”.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - điện TPHCM (HAMEE): “Một vaccine, hai vaccine, ba cũng vaccine. Chỉ có bài toán vaccine mới giải hết nỗi lo cho DN, mới giúp DN yên tâm sản xuất, đồng hành với chính quyền TP thực hiện mục tiêu kép được”.