TPHCM chờ đèn hiệu lung linh trở lại…

(ĐTTCO) - Từ lâu, câu ca dao “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu"… đã in sâu vào bao thế hệ người dân Sài Gòn - TPHCM và các tỉnh Nam bộ. 
TPHCM chờ đèn hiệu lung linh trở lại…

1. Hiện nay, giữa Sài Gòn - TPHCM cơ bản có độ tương đồng về nhịp độ sôi động ở các mặt đời sống kinh tế - xã hội với các đô thị lớn khác trong khu vực Nam bộ, còn so với các đô thị nhỏ, các thị tứ sẽ dễ nhìn thấy khoảng cách lớn ngay về hình thức.

Như mật độ xe cộ, mật độ xây dựng, mức độ đông đúc của dân cư, sự sôi động của các hoạt động kinh tế và cả sự lung linh, rực rỡ của đèn giao thông, đèn đường, đèn biển hiệu, đèn quảng cáo.

Thí dụ, thị xã Bình Long thuộc tỉnh Bình Phước, dù được thành lập gần 15 năm nhưng hiện không có nhiều tuyến đường nhộn nhịp, việc mua bán cũng khá thưa thớt, hệ thống đèn các loại dường như ít màu sắc, ít rực rỡ như nhiều tuyến đường ở TPHCM, mới hơn 22 giờ đường phố đã vắng lặng.

Đó cũng là biểu hiện chung của nhiều đô thị khác, kể cả có nơi là tỉnh lỵ, thị xã, thành phố được thành lập nhiều năm.

Điều dễ thấy là trên đường, các đèn quảng cáo, các biển quảng cáo lớn ở những đô thị này ít hơn hẳn so với TPHCM, cả về số lượng, quy mô, kích thước, độ sáng và rực rỡ của các đèn.

Ở nhiều địa phương, các biển quảng cáo điện tử lớn không nhiều, thường chỉ đặt ở một số cửa ngõ quan trọng hoặc ở khu vực đông dân cư.

Còn ở TPHCM, các biển quảng cáo loại này được đặt ở tất cả các cửa ngõ vào thành phố với mật độ khá dày (chẳng hạn, trên tuyến cao tốc Long Thành - TPHCM, khi về đến TPHCM, số biển quảng cáo lớn rất nhiều, đan xen nhau), được thiết kế với các đèn led lung linh, nhiều màu sắc bắt mắt và hấp dẫn.

Hay nhìn từ quận 1 sang bên kia sông Sài Gòn, với khu vực thuộc Thủ Thiêm của thành phố Thủ Đức, ta dễ nhìn thấy hàng loạt biển quảng cáo đặt cặp bờ sông với các hiệu ứng đèn lấp lánh, sinh động.

2. Tuy nhiên, từ dịch Covid-19 đến nay, tình hình kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở khu vực trung tâm thành phố, số cửa hiệu tạm đóng cửa, cho thuê hiện rất nhiều.

Có những mặt tiền ở vị trí tốt, diện tích lớn nhưng cửa im ỉm khóa, bên ngoài có hàng chục số điện thoại để liên hệ cho thuê; cá biệt có nơi bị các “họa sĩ đường phố” vẽ tranh graffiti lem luốc, vấy bẩn, trông không còn phù hợp với vị trí trung tâm thành phố nữa.

Có những cửa hiệu còn duy trì hoạt động nhưng khách vào thưa thớt, có khi số nhân viên còn nhiều hơn khách, người vào cũng chưa hẳn đã mua, không khí buôn bán uể oải.

Trong điều kiện đó, các bảng quảng cáo ngoài trời cũng đã có thay đổi đáng kể. Ở các cửa ngõ, trên các tuyến đại lộ, các trụ quảng cáo khổng lồ vẫn còn, nhưng thay vì giới thiệu sản phẩm thì giờ đây nhiều nơi chỉ đưa số điện thoại để mời khách quảng cáo; một số bảng thậm chí chỉ còn trơ khung thép, không còn thông tin, hình ảnh, coi như đã bị hoang phế; mật độ biển quảng cáo còn “hoạt động” với độ tươi tắn của hình ảnh, rực rỡ của đèn, lung linh của các hiệu ứng cũng đã giảm nhiều.

Trước đây, chạy xe ở khu vực trung tâm thành phố, có người cho là dễ bị chói mắt do các đèn quảng cáo có cường độ ánh sáng khá mạnh, thì giờ đây cũng đã giảm số lượng và mật độ.

Về tổng thể, đèn Sài Gòn vẫn còn nhiều ngọn xanh ngọn đỏ, nhưng so với chính nó đã giảm đi đáng kể, phản ánh sự sụt giảm của các hoạt động thương mại, cũng là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, sự nhộn nhịp trong các hoạt động kinh tế nói chung cũng đã giảm đáng kể; một số nơi ở thành phố còn rộn ràng chủ yếu là các khu ăn uống; những hoạt động thương mại có giá trị cao ở khu vực trung tâm (như những cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng, khu mua sắm hàng lưu niệm cao cấp, các cửa tiệm hàng điện tử, điện máy) đã giảm mạnh!

3. Hẳn nhiều người ở TPHCM mong những đèn quảng cáo chói mắt rực rỡ trở lại, những biển quảng cáo lớn, cao chót vót được dựng lại với thông tin bắt mắt để quảng bá cho những thương hiệu nào đó, các đèn cửa hiệu trên phố lại nhấp nháy liên hồi, đèn tên cửa hàng lại chiếu rọi vào nhau thay vì nơi sáng nơi tắt… để chứng tỏ kinh tế thành phố đã thực sự khởi sắc, thực sự phục hồi.

Đèn Sài Gòn phải “ngọn xanh ngọn đỏ” chứ không thể “ngọn tỏ ngọn lu”; đèn Sài Gòn phải lung linh, lấp lánh chứ không chỉ để soi rõ đường đi; đèn Sài Gòn phải là chỉ dấu sinh động của sức sống kinh tế, của đời sống đô thị sôi động, chứ không phải chỉ để chiếu sáng.

Trong bối cảnh đó, thành phố phải có thêm nhiều chính sách “cải thiện môi trường đầu tư”, “thích ứng linh hoạt”, “phục hồi kinh tế” với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, cụ thể. Như để cải thiện môi trường đầu tư, phải thực sự giản tiện các thủ tục, phải đẩy mạnh giảm thuế, phí, phải có sự liên thông và thông thoáng trong các hoạt động liên quan đến ngành thuế, hải quan.

Hay trong điều kiện thích ứng linh hoạt thì phải chủ động rà soát để tạo điều kiện, hỗ trợ những ngành, những lĩnh vực đang có khó khăn nhưng có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế khác và toàn xã hội, để thúc đẩy nó phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển chung.

Để phục hồi kinh tế, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người đầu tư được hỗ trợ vốn (như cho vay ưu đãi, giãn nợ cũ), hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ kỹ thuật - công nghệ.

Hy vọng thời gian tới đây, với sự triển khai quyết liệt mạnh mẽ của Nghị quyết 98, các biển hiệu quảng cáo ở Sài Gòn - TPHCM lung linh trở lại, đó cũng là chỉ báo cho kinh tế TPHCM phục hồi và khởi sắc.

Các tin khác