Cụ thể, các cơ quan tiếp tục phòng ngừa dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, phải xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
Trong đó tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Đáng chú ý, các cơ sở kinh doanh quán bar, vũ trường được phép hoạt động trở lại từ 18 giờ ngày 7-9, nhưng phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh khử khuẩn bề mặt, trang bị dung dịch sát khuẩn đầy đủ, nhân viên phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh phòng hộ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đối với các hoạt động sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo, UBND TPHCM cho biết sẽ được phép tổ chức bình thường nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Trước đó, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, TPHCM tạm ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ, hạn chế tụ tập đông người từ 31-7. Đây là lần thứ 2 các cơ sở dịch vụ này phải đóng cửa, do vậy người lao động tại đây gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sử dụng nguồn Quỹ vận động để hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó có những người làm việc tại các cơ sở làm đẹp, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường… Mức hỗ trợ dự kiến 1 triệu đồng/người.