Thế nhưng, để giữ đà tăng trưởng tích cực này, các doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng được “bắt tay” TPHCM tháo gỡ những nút thắt trong hoạt động đầu tư, tiến tới góp sức thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Nghị quyết 98/2023/QH15 đã đề ra.
Để doanh nghiệp “an tâm” xây dựng chiến lược đầu tư dài hơi, TPHCM đã công bố chính sách thu hút nguồn vốn FDI trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030. Thành phố cũng sẽ áp dụng các tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc.
Trong ngắn hạn và trung hạn, thành phố ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin.
Về dài hạn, TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn. TP sẽ không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường…
Những định hướng có phần tham vọng trên đã được cụ thể qua từng giai đoạn với số lượng dự án rõ ràng. Từ nay đến năm 2025, ít nhất phải thu hút thành công 50 dự án công nghệ cao, kết hợp tập trung nâng cao tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp FDI có giá trị gia tăng cao, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%/năm.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp FDI cho rằng, mục tiêu mà thành phố công bố phản ánh toàn diện hệ sinh thái kinh tế mà thành phố mong muốn thu hút đầu tư và phát triển trong thời gian tới. Điều này cũng tạo những cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp thiết lập chiến lược gia nhập vào thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp FDI cho rằng để đạt hiệu quả mong muốn, thành phố cần giải quyết hiệu quả 4 vấn đề “nóng”.
Một là tình trạng kẹt xe, ngập lụt, triều cường, ô nhiễm; hai là số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều; ba là hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn thấp; bốn là phương thức xúc tiến đầu tư còn mang tính hình thức, chưa có chiến lược cụ thể, chất lượng và hiệu quả chưa cao.
Ở góc độ quản lý, các doanh nghiệp FDI cũng chia sẻ những nút thắt nên tháo gỡ gồm, thủ tục hành chính chưa thuận lợi, chính sách khuyến khích và ưu đãi thu hút FDI chưa đủ hấp dẫn. Tình trạng chồng chéo các quy định pháp luật còn khá phổ biến cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Tiếp nhận những phản ánh này, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng triển khai 6 giải pháp tương ứng. Ngoài việc số hóa dịch vụ hành chính công, chủ động kết hợp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thành phố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện quản lý nhà nước phù hợp với những cam kết quốc tế. Áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt, hấp dẫn hơn, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến khi đầu tư tại TPHCM.
Thực tế cho thấy, TPHCM là nơi có hệ sinh thái doanh nghiệp FDI lớn nhất cả nước. Hiện ước tính tổng trị giá vốn đầu tư hơn 81,29 tỷ USD với 12.300 dự án. Do vậy, việc “bắt tay” với doanh nghiệp FDI tháo gỡ "nút thắt" môi trường đầu tư không những sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư mới đến “xây tổ” mà còn phát huy nguồn lực nội tại của doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư tại thành phố.
Cái “bắt tay” này còn thể hiện sự đồng lòng, cam kết đồng hành của thành phố trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có thêm lợi thế khai thác, tận dụng hiệu quả lợi ích đan xen từ hệ sinh thái doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam nhằm xây dựng nội lực vững chắc cho mục tiêu phát triển ngày càng lớn mạnh và bền vững tại Việt Nam.