Ngày 13-7, tại hội nghị giao ban về công tác phát triển du lịch 6 tháng đầu năm 2023, đại diện Sở Du lịch cho biết, từ đầu năm đến nay, TPHCM đón trên 1,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022; đón gần 16,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 48% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm 2023, ngành du lịch TPHCM tiếp tục làm mới hàng loạt sản phẩm để phục vụ du khách.
Đa dạng sản phẩm
Theo đại diện Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã hoạt động “tốc lực” để cùng TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Ví dụ như phối hợp với quận 1 giới thiệu sản phẩm “Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa”; công bố các điểm đến du lịch đặc trưng quận 7; giới thiệu “Quận 8 - Vùng đất của những câu chuyện”; hỗ trợ quận 10 công bố 2 sản phẩm du lịch đặc trưng “Nghe kể chuyện đông y”, “Lịch sử ghi dấu”; giới thiệu “Sắc màu du lịch quận Bình Tân”… Riêng tại huyện Cần Giờ, nổi bật với sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An).
Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TPHCM. Nỗ lực này đã và đang được “đền đáp xứng đáng” khi số lượng khách đến huyện Cần Giờ tăng mạnh từ 20-30% so với trước đây. Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 dịch vụ phục vụ du khách, với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển.
Khách trải nghiệm buýt đường sông ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngoài những sản phẩm du lịch riêng biệt của TP Thủ Đức cũng như các quận huyện, TPHCM cũng đã xây dựng sản phẩm mới, tạo dấu ấn trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua đó là thí điểm “Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND-UBND TPHCM”.
Mặt khác, hàng loạt tour du lịch thú vị cũng được các doanh nghiệp lữ hành triển khai thành công thời gian qua. Chẳng hạn, Lữ hành Saigontourist có chùm tour “Tôi yêu Sài Gòn”, “Sài Gòn rong ca chiều thứ 7”, “Một thoáng Sài Gòn với Vespa”, “Món Việt từ chợ Bến Thành”… Hay Công ty Du lịch Vietravel có các tour “Sài Gòn đẹp lắm!”, “Trải nghiệm xe buýt hai tầng - Xuôi dòng Bình Trị giang”…
Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, thành quả đón khách du lịch tăng đã có sự cộng hưởng từ chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng do UBND TPHCM phát động.
Cụ thể, Vietnam Airlines giảm giá vé cao nhất lên tới 82% từ nay đến ngày 23-12 cho các công ty du lịch trên tất các các chuyến bay đi và đến TPHCM; Saigontourist Group, Vietravel, Lữ hành Vietluxtour… cũng đang đồng loạt giảm giá tour trọn gói, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống cho du khách từ 15-60%, tùy dịch vụ.
Kết nối liên vùng
Tiếp tục tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn vẫn là hoạt động chủ lực của ngành du lịch trong thời gian tới. Chẳng hạn, ngày 4-8 tới, TPHCM chính thức diễn ra Lễ hội sông nước TPHCM - sự kiện du lịch lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Sở VH-TT TPHCM cùng các sở, ngành tổ chức. Điểm nổi bật của lễ hội là đại thực cảnh “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” diễn ra vào đêm 6-8 tại Cảng Sài Gòn - Cảng hành khách tàu biển, được kỳ vọng sẽ tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo.
Khách quốc tế tìm hiểu về một điểm đến trong tour "Biệt động Sài Gòn" |
Lễ hội còn có các chương trình nghệ thuật gồm: Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ TPHCM bên sông. Theo bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch TPHCM), lễ hội thú vị vì diễn ra trên không gian thực, tận dụng triệt để thế mạnh sông nước Sài Gòn, rất khác những chương trình mà các tỉnh thành bạn đang triển khai.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đang tích cực chuẩn bị cho Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE-HCMC) vào tháng 9 tới. Ước tính có hàng chục ngàn lượt khách đến từ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ tham quan, mua tour tại hội chợ.
Trước đó, tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB-Berlin 2023, chương trình Roadshow Australia, Sở Du lịch TPHCM đã đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch TPHCM - Việt Nam. Đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối như Tuần lễ du lịch TPHCM, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô (HOZO Metaverse), Ngày hội khinh khí cầu diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và công viên khu vực cầu Thủ Thiêm 2 (TP Thủ Đức)…
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, sở tiếp tục công tác làm mới, kết nối sản phẩm du lịch TPHCM với các tỉnh thành. Trong đó triển khai theo hướng, tuyến kết nối quận 1, 3, 4, 5; khu phía Đông TPHCM có TP Thủ Đức nối với các tỉnh Đông Nam bộ và phía Nam có quận 10, Tân Bình, huyện Bình Chánh nối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12 với tỉnh Tây Ninh,... để đa dạng sản phẩm, đường tour thu hút du khách.
Thêm nữa, ngành du lịch cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quảng bá du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
“Trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch TPHCM thời gian tới, ngành du lịch sẽ tăng cường triển khai thực hiện các nghị quyết mới như Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch. Trong kế hoạch phát triển du lịch TPHCM từ nay đến cuối năm, ngành du lịch thành phố đang hoàn thành thủ tục công bố Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ.