Trong số này, có khoảng 100.000 tỷ đồng (20%) từ ngân sách, còn lại hơn 400.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ xã hội. Đây là bài toán đòi hỏi thành phố phải nỗ lực rất lớn.
Trước hết, vốn đầu tư công dù chỉ chiếm 20% nhưng rất quan trọng. Bởi vốn đầu tư công là những đồng vốn mồi cực kỳ quý giá, chủ yếu rót vào hạ tầng, đường sá, cầu, cảng, trường học, bệnh viện… làm nền tảng, tiền đề cho những hoạt động kinh tế xã hội tiếp theo. Vì TPHCM lâu nay “được tiếng” là một đồng vốn ngân sách bỏ ra có thể thu hút được số vốn xã hội vào loại cao nhất cả nước.
Năm 2024, dù TPHCM quyết tâm rất lớn trong giải ngân đầu tư công, nhưng những con số thống kê cho thấy chưa được như ý muốn. Dù vậy, việc TPHCM vừa đưa vào vận hành hàng loạt công trình đã tạo sự phấn khởi rất lớn cho người dân, nhất là trước Tết Nguyên đán sẽ khánh thành tiếp 10 công trình nữa.
Qua đó cho thấy việc đầu tư công mang lại ý nghĩa rất lớn, cụ thể và thiết thực. Bước vào năm 2025, nhiều bộ luật đi vào cuộc sống chính là cơ sở để việc giải ngân đạt kết quả tích cực hơn, tạo đầu kéo cho tăng trưởng thành phố.
TPHCM còn có một nguồn lực đặc biệt là kiều hối. Năm 2024, kiều hối về thành phố là 9,6 tỷ USD (so với cả nước là 16 tỷ USD), tương đương khoảng 225.000 tỷ đồng, gần một nửa tổng thu ngân sách của TPHCM năm 2024.
Do vậy, TPHCM đã có đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối. Việc sớm triển khai đề án này thông qua các hình thức trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương… để nắn dòng kiều hối vào mục tiêu phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết, so với khi vay vốn ODA, chúng ta phải trả lãi vay và nhiều ràng buộc khác.
Đối với nguồn kiều hối, pháp luật hiện quy định tiền USD gửi ngân hàng không có lãi, nếu có chính sách được trả lãi bằng với vốn vay ODA, chắc chắn sẽ thu hút nguồn lực khá lớn, bởi đó không chỉ là lợi nhuận mà còn là trái tim hướng về quê hương đất nước.
Một nguồn lực khác hết sức to lớn đó là nguồn vốn tư nhân. Tại buổi làm việc với TPHCM vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi mở, phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn bởi nguồn lực bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp rất lớn. Hướng đi này hết sức táo bạo, chắc chắn sẽ tháo được điểm nghẽn đầu tư của thành phố lâu nay. Công bằng mà nói, không ít doanh nghiệp có tiềm lực, sẵn sàng bỏ vốn để “cùng làm, cùng thắng” với nhà nước.
Song thực tế hàng loạt dự án đầu tư theo phương thức này trên cả nước thời gian qua đình trệ, khiến doanh nghiệp lao đao. Địa phương tích cực mời gọi, trải thảm để thu hút nhà đầu tư, nhưng khi gặp khó khăn, vướng mắc, phần thiệt thòi doanh nghiệp lãnh trọn. Lâu nay các hình thức đầu tư liên quan đến nguồn vốn tư nhân thường hiện ra theo góc nhìn méo mó.
Thực tế, muốn thu hút người dân, doanh nghiệp sẵn sàng “móc hầu bao” để đầu tư phát triển mà không đảm bảo quyền lợi chính đáng, ai tham gia? Muốn mời gọi đầu tư, chúng ta phải có chính sách để 2 bên đều thắng. Khi có được niềm tin trọn vẹn, việc thu hút đầu tư sẽ không còn khó khăn.
Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, có hiệu lực từ 15-1-2025, với nhiều quy định giúp "hồi sinh" các dự án PPP. Khi Luật PPP có hiệu lực và nhờ “đũa thần” Nghị quyết 98/2023/QH15, việc TPHCM đặt mục tiêu trong năm nay sẽ tổ chức thực hiện 10 dự án PPP với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, với 5 dự án BOT giao thông ở cửa ngõ thành phố, là hoàn toàn khả thi.
Khi có khung chính sách táo bạo, khơi mở và thu hút những nguồn lực mới, chúng ta có cơ sở tin rằng năm nay và những năm tiếp theo, việc kết hợp nguồn vốn công - tư sẽ tạo nên nguồn lực lớn mạnh, tạo đà cho thành phố bứt phá, vươn mình phát triển và thịnh vượng hơn.