TPHCM: Cởi trói cơ chế, phát huy lợi thế

(ĐTTCO) - TPHCM đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn ngoại có chất lượng cao để phát triển, khi có sự “cộng hưởng kép” giữa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và chuỗi sản xuất toàn cầu đang có sự điều chỉnh với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư.

Cơ hội xuất siêu cho TPHCM
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất siêu truyền thống của TPHCM và là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc). Ở chiều ngược lại, EU cũng là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của TPHCM (sau Trung Quốc). Việc tham gia ký kết hiệp định EVFTA với các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế trong EVFTA, đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, kim ngạch xuất khẩu sang EU đang chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Thương mại 2 chiều vẫn tăng lên từng năm. Cụ thể, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của TP vào thị trường EU đạt 4,76 tỷ USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ), tổng kim ngạch nhập khẩu từ EU của các doanh nghiệp TPHCM đạt 3,25 tỷ USD (tăng 6,1% so với cùng kỳ).
TPHCM: Cởi trói cơ chế, phát huy lợi thế ảnh 1
Tương tự năm 2019  đạt 5,01 tỷ USD (tăng 5,4% so với cùng kỳ) và 3,56 tỷ USD (tăng 0,6% so với cùng kỳ). Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của TP sang EU vẫn đạt 1,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 940 triệu USD. Vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho xuất siêu của TPHCM.
Khi EVFTA được thực thi sẽ làm tăng cơ hội về quy mô thị trường xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu lớn đối với hoạt động của ngành logistics. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics Việt Nam không lớn, do thị trường EU đã có sẵn các đối thủ mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, cũng như các ràng buộc pháp lý gián tiếp. Song hiện nay, logistics của Việt Nam chỉ tập trung ở những trung tâm kinh tế lớn và năng động, trong đó có TPHCM nên sẽ là lợi thế đặc biệt mà nhiều địa phương không có được.
Trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, TPHCM định hướng trở thành trung tâm giao dịch, trung chuyển hàng hóa quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện nay, TP cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến 2030, nhằm phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DNNVV trên địa bàn. Đây sẽ là động lực quan trọng để TPHCM tăng tốc.

Cần cơ chế tự chủ riêng
Cùng với việc EVFTA mang đến cho TPHCM cơ hội xuất siêu, sự thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư (chủ yếu thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc) kỳ vọng đem đến cho TP cơ hội để thực hiện tiếp giấc mơ từ 2 thập niên trước: Trở thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực. Khách quan nhìn nhận, có thể nói TPHCM đã là TTTC, dù ở quy mô và tầm mức nhỏ. Mỗi năm, TPHCM đóng góp xấp xỉ 28% nguồn thu ngân sách quốc gia, là nơi tập trung các tổ chức kinh tế tài chính lớn trong và ngoài nước phục vụ cho cả nền kinh tế, với nguồn nhân lực chọn lọc và đông nhất nước. 
Xét về thông lệ và tầm hạn, TPHCM chưa được xem là TTTC thực thụ theo cách hiểu, sự nhìn nhận và tiêu chí định danh của giới tài chính quốc tế, mà còn ở vị trí “cận biên”. Cơ hội để TPHCM bứt phá từ “cận biên” để thành TTTC thực thụ đang dần hiện hữu. Song TPHCM không thể tự quyết, mà cần có chính sách riêng, nhất quán và đồng bộ từ Nhà nước. Bởi lĩnh vực tài chính, cụ thể là thị trường vốn có vai trò dẫn dắt. Hệ thống ngân hàng hiệu quả và thị trường chứng khoán trưởng thành, là các nguồn lực tiên phong đối với TTTC. Điều này vượt ra khỏi quyền quyết định của TPHCM.
Nhận xét về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng nếu xét các tiêu chí về đầu tư và phát triển, TPHCM có rất nhiều thuận lợi, không chỉ riêng phạm vi thị trường Việt Nam, mà là một trong những trung tâm kinh tế năng động khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song để xây dựng TPHCM thành TTTC còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, phải có cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động của nhà đầu tư và chuyên gia tài chính hàng đầu.
Điều kiện về cơ sở đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chí hiện đại nhất, nhanh chóng nhất, chính xác nhất, từ đó đảm bảo sự thông suốt của thông tin từ TTTC kết nối với các TTTC và nhà đầu tư toàn cầu. Thứ hai, phải xây dựng được lực lượng các nhà tài chính chuyên nghiệp để thực hiện các giao dịch của TTTC. Thứ ba, phải thu hút được các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, các công ty đa quốc gia mở văn phòng để họ có những giao dịch thường xuyên trên thị trường.
Nếu xét tất cả tiêu chí trên, TPHCM vẫn còn thiếu, song thiếu không có nghĩa không thể thực hiện được. TPHCM lâu nay luôn được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm. Cái thiếu của TPHCM là chưa có cơ chế cho địa phương được tự chủ theo hướng cởi mở hơn, nên nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng của các TTTC trong khu vực như Hồng Kông, Singapore. Bên cạnh đó, cần tận dụng cơ hội, cải cách thể chế chính sách để tạo sức hấp dẫn, từ đó thu hút được các nhà đầu tư. Đây là bài toán dài hơi và mấu chốt là phải có quyết tâm cởi trói cơ chế, quyết tâm thực hiện. 
 TPHCM có nhiều lợi thế để trở thành TTTC cả nước và khu vực. Để làm được điều này, cần có cơ chế cho TP được tự chủ theo hướng cởi mở hơn.

Các tin khác