TP.HCM dự kiến đầu tư 37.000 tỷ đồng làm 5 dự án giao thông BOT

(ĐTTCO)-Các dự án BOT này nằm dọc các tuyến đường giao thông hiện hữu trên địa bàn và tuyến cửa ngõ của Thành phố. Dù đã có kế hoạch đầu tư từ trước nhưng đến giờ, các dự án này vẫn chưa được triển khai…
Ngã tư An Sương, giao quốc lộ 1 (xa lộ Đại Hàn) với quốc lộ 22, mặc dù đã xây dựng cầu vượt và hầm chui, tình trạng kẹt xe tuyến cửa ngõ vẫn chưa được khắc phục "nút thắt cổ chai" quốc lộ 22 nhỏ hẹp.
Ngã tư An Sương, giao quốc lộ 1 (xa lộ Đại Hàn) với quốc lộ 22, mặc dù đã xây dựng cầu vượt và hầm chui, tình trạng kẹt xe tuyến cửa ngõ vẫn chưa được khắc phục "nút thắt cổ chai" quốc lộ 22 nhỏ hẹp.

Lý do chưa được triển khai là do vướng Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, tại khoản 3 điều 2 quy định:

“Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

Tương tự, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật Đầu tư PPP), khoản 4 điều 45 và khoản 9 điều 3 cũng quy định như vậy, hợp đồng BOT chỉ áp dụng tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng công trình hiện hữu.

Các dự án TP.HCM có kế hoạch triển khai là các dự án nâng cấp, cải tạo ở các khu vực cửa ngõ thành phố, từ nhiều năm qua do vướng các quy định nên chưa thể triển khai.

Nghị quyết 98/2023/3QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trước đó) vừa được Quốc hội thông qua, đã mở ra cơ chế mới cho TP.HCM. Theo đó, Thành phố được phép áp dụng hợp đồng BOT đối với các công trình đường bộ hiện hữu, đi kèm là các tiêu chí liên quan.

Trong 5 dự án TP.HCM dự kiến đầu tư xây dựng, có 3 dự án là cửa ngõ tuyến quốc lộ 13, tuyến quốc lộ 22 và tuyến quốc lộ 1; 2 dự án trên trục đường hiện hữu là đường trục Bắc Nam và cầu-đường Bình Tiên.

Dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn từ nút giao An Lạc đến ranh giới tỉnh Long An: Đoạn này dài 9,6 km được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng vốn ước gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án được đề xuất theo tỷ lệ 50/50: Ngân sách nhà nước 6.438 tỷ đồng và doanh nghiệp 6.438 tỷ đồng.

Dự án mở rộng quốc lộ 22, đoạn từ ngã tư An Sương đến giao đường Vành đai 3 TP.HCM: Chiều dài 9,1 km được mở rộng thêm gần 40 m, tổng mức đầu tư khoảng 3.609 tỷ đồng. Ngân sách thành phố tham gia với tỷ lệ 67% (khoảng 2.409 tỷ đồng) để giải phóng mặt bằng; doanh nghiệp tham gia 33% (khoảng 1.200 tỷ đồng), công việc là thi công xây lắp.

Dự án mở rộng quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu: Chiều dài 5 km, được mở rộng lên từ 53 – 60 m với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.600 tỷ đồng. Đề xuất tỷ lệ đầu tư: Ngân sách bố trí 50% vốn đầu tư (khoảng 4.996 tỷ đồng) và doanh nghiệp 50%.

Dự án mở rộng trục Bắc Nam, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm: Chiều dài 7,5 km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Ngân sách thành phố tham gia 70% (hơn 3.131 tỷ đồng), doanh nghiệp tham gia 30% (hơn 1.342 tỷ đồng).

Dự án cầu đường Bình Tiên, đoạn đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh: Chiều dài 3,2 km, mở rộng từ 30 – 40 m, tổng vốn thực hiện trên 6.200 tỷ đồng. Đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% để giải phóng mặt bằng (hơn 3.300 tỷ đồng), doanh nghiệp tham gia 46% thi công xây lắp (khoảng 2.900 tỷ đồng)

Đây là các cửa ngõ, tuyến đường có mật độ giao thông dày đặc, những điểm “nghẽn cổ chai” về giao thông của TP.HCM. Hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang tham khảo ý kiến từ các sở, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng tiêu chí cụ thể; sau đó sẽ trình Ủy ban nhân dân Thành phố. Dự kiến, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ trình hội đồng nhân dan Thành phố thông qua vào kỳ họp sắp tới, vào tháng 9/2023.

TP.HCM đang quản lý 20 dự án đầu tư theo phương thức PPP; bao gồm 7 hợp đồng BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao), 11 hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), một hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – khai thác), một hợp đồng kết hợp BOT-BT và một hợp đồng ứng vốn để dầu tư (tạm ứng vốn có bảo lãnh).

Trước đó, đầu tháng 02/2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có đề cập đến 6 dự án về hạ tầng giao thông.

Đó là các dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm cả cầu và hầm) hiện hữu được áp dụng phương thức PPP, hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong 6 dự án này, có 3 dự án nằm trong số 5 dự án sẽ đầu tư nói trên, đó là dự án quốc lộ 1, quốc lộ 13 và quốc lộ 22.

Các tin khác