Hai tuyến vận tải này kết nối với nhau sẽ tạo ra hành lang vận tải hành khách khối lượng lớn xuyên thành phố từ hướng Đông sang hướng Tây.
Đã hoàn tất thủ tục đầu tư
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, việc triển khai thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh (tuyến xe buýt có làn đường dành riêng - PV) trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (BRT số 1) đang diễn ra khẩn trương.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BRT số 1. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, nhà tài trợ và UBND TPHCM để đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.
Theo đó, TPHCM kiến nghị điều chỉnh vốn đầu tư giảm 12,17 triệu USD, từ 155,85 triệu USD xuống còn 143,68 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 123,6 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM là 20,06 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2014-2019 thành 2014-2023. Lý do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án vì từ năm 2016 đến năm 2018, các cơ quan chức năng ở TPHCM rà soát, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của dự án BRT số 1 nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện theo mục tiêu dự án; tiết kiệm về suất đầu tư, tổng mức đầu tư, chất lượng phục vụ, quản lý khai thác...
Đến nay, dự án đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh. Trong đó, hệ thống vé dựa trên thẻ thông minh và NFC (vé điện thoại di động). Tuyến buýt nhanh - BRT số 1 dài 26km, chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt vượt sông Sài Gòn tới xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Sau khi Bến xe miền Tây mới (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.
Hình thành trục vận tải xuyên tâm lớn
Theo dự án đầu tư xây dựng tuyến BRT số 1, xe buýt chạy trên tuyến sẽ sử dụng khí nén thiên nhiên và chạy với tốc độ 40km/giờ trên làn đường riêng, dự kiến rút ngắn 30% thời gian so với xe buýt thường (chạy chung với các loại xe khác - PV). Xe buýt tuyến BRT số 1 cũng sẽ được đầu tư để tăng khả năng chuyên chở gấp 2 lần so với xe buýt thường. Dọc theo tuyến BRT số 1 có 31 trạm dừng, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển.
Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe với sức chứa 60-72 hành khách/xe. Làn đường dành riêng cho xe buýt được bố trí giữa 2 dải phân cách trung tâm. Dải phân cách trung tâm bằng bê tông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác. Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển ở trên đường Hải Thượng Lãn Ông và Hàm Nghi, 1 nhà ga ở Rạch Chiếc, bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000m2 và 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm.
Nhận định về ý nghĩa và hiệu quả của tuyến BRT số 1, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng: BRT là loại hình giao thông công cộng sử dụng xe buýt khối lượng lớn, có làn đường riêng và hệ thống tín hiệu ưu tiên hỗ trợ, vì thế tốc độ di chuyển nhanh. Đưa tuyến BRT số 1 vào hoạt động sẽ giúp thành phố dần “giải” được bất cập: xe buýt “kẹt” trong vòng vây xe cá nhân, chạy không đảm bảo lộ trình, thường xuyên chậm trễ nên không thu hút được nhiều hành khách. Tuyến BRT số 1 kết nối với tuyến metro số 1 sẽ hình thành được trục vận tải hành khách xuyên thành phố từ Đông sang Tây khối lượng lớn, giúp thành phố giải tỏa được nhu cầu đi lại rất lớn của người dân trên hướng giao thông này.