TPHCM: Gỡ vướng cho 41.000 căn nhà chưa có sổ hồng

(ĐTTCO) - Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). 

Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Tại sao còn tồn đọng nhiều trường hợp chờ cấp sổ hồng đến vậy? Trong loạt bài “Bế tắc cấp sổ hồng nhà, đất” đăng trên Báo SGGP từ ngày 8 đến 10-1, cho thấy bức tranh cấp sổ hồng trên địa bàn TPHCM: những dự án nhà ở triển khai trơn tru thì đã được cấp sổ; số còn lại gặp vướng mắc khó xử lý do không thực hiện theo đúng pháp luật về đất đai; cơ quan chức năng thiếu giám sát, xử lý không nghiêm hoặc không tới nơi tới chốn các sai phạm.

Có thể kể ra các trường hợp: chủ đầu tư dính vào các vụ án, vụ việc không biết khi nào kết thúc; dự án xây dựng trái phép; chủ đầu tư thế chấp dự án vào ngân hàng, không trả được tiền vay nên ngân hàng không trả sổ, dẫn đến sổ của khách hàng bị “ngâm”; chủ đầu tư dự án qua đời, sự nối tiếp chưa rõ; những dự án hình thành từ đất công, việc tính tiền sử dụng đất chưa có lời giải.

Điều đó dẫn tới nghịch lý là nhà có thật, người ở có thật, việc mua bán là có thật nhưng giấy chủ quyền bị treo, làm mất quyền của người dân được minh định trong pháp luật như không có sổ thì giao dịch giá thấp, không được thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn… Làm thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này?

Việc đầu tiên là cơ quan chức năng cần công khai những dự án nhà ở chưa được cấp sổ. Việc này hoàn toàn khả thi, bởi nhiều ngành đã thực hiện để góp phần công khai, minh bạch hoạt động, như ngành thuế công khai những doanh nghiệp nợ thuế, Sở Xây dựng đã công khai các dự án nhà ở đủ điều kiện bán hàng.

Sự xuất hiện trên bảng “phong thần” sẽ giúp cho người dân thấy rõ số dự án được cấp sổ, thấy rõ sự quyết tâm của ngành chức năng; đồng thời đo lường được sự uy tín của chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Một giải pháp khác là hướng xử lý đối với các dự án nhà ở thế chấp ngân hàng, đã mở bán nhà cho khách hàng nhưng chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Mặc dù ngân hàng vẫn đang giữ giấy chủ quyền của dự án nhưng thật ra giấy đó chỉ là cái “vỏ”, còn “ruột” là dự án đã xây dựng xong và bán cho người dân, người dân đã an cư trong ngôi nhà của mình.

Trong trường hợp này, mối quan hệ dân sự xảy ra giữa ngân hàng và chủ đầu tư, ngân hàng phải trả lại giấy chủ quyền của dự án để cơ quan chức năng tiến hành cấp sổ hồng cho người dân. Để giải quyết tình huống này cần có quy định của pháp luật nhằm đảm bảo ngân hàng không bị xử lý vì làm mất vốn; còn trách nhiệm chủ đầu tư, sẽ tách ra theo vụ việc khác.

Đối với những dự án bị vướng tiền sử dụng đất mà chủ yếu hình thành từ đất công, dễ rơi vào tình huống bị “quy chụp” làm thất thoát tài sản nhà nước. Vấn đề này, thành phố có thể đề xuất một cơ chế riêng để xử lý.

Việc cấp sổ hồng nhà, đất trong các dự án nhà ở còn tồn đọng cần thực hiện khẩn trương nhằm giải tỏa sự bức xúc cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân; đây là cái được lớn nhất. Đó cũng chính là cơ sở để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Các tin khác