Kiến nghị vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND thành phố, nhằm xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua trước khi giao kế hoạch vốn chính thức.
Trong 6 dự án, nút giao Mỹ Thuỷ (TP Thủ Đức), tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng hiện được triển khai. Dự án đang thực hiện giai đoạn hai với các công trình như cầu Mỹ Thuỷ 3, Kỳ Hà 4, cầu vượt cho xe rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ cùng các nhánh rẽ, hầm chui... Tuy nhiên việc triển khai đang bị vướng do bồi thường giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng, làm tổng mức đầu tư tăng và phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư.
Trước đó giai đoạn một dự án nút giao Mỹ Thuỷ tổng vốn 838 tỷ đồng đã đưa vào khai thác nhiều công trình như hầm chui, cầu vượt... Các công trình tiếp theo khi đầu tư hoàn thành kỳ vọng giảm ùn tắc, tai nạn, tăng khả năng chuyển chở hàng hoá các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái - cảng đứng đầu cả nước về sản lượng hàng hóa.
Hai đoạn 1 và 2, dài 6 km thuộc tuyến Vành đai 2 đi qua địa bàn TP Thủ Đức cũng được Sở Giao thông Vận tải đề nghị ưu tiên bố trí vốn thực hiện. Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, dài 3,5 km (gồm cả xây dựng nút giao Bình Thái), tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,5 km (gồm cả xây dựng nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2), tổng vốn 5.569 tỷ đồng.
Hai đoạn này có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông trên các tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1... cũng như tăng kết nối các cảng tại TP Thủ Đức như Phú Hữu, Trường Thọ, Cát Lái...
Ngoài các dự án nói trên, Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị ưu tiên vốn đầu tư 3 tuyến: xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam, dài 6,7 km từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè), tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng; hoàn thiện hai đoạn Vành đai phía Đông tại TP Thủ Đức, gồm: từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (dài 2,9 km, vốn hơn 1.200 tỷ đồng) và từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2 (dài 2,2 km, vốn hơn 1.000 tỷ đồng). Đây đều là các dự án quan trọng, tăng kết nối khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Cát Lái.
Các bến cảng chính tại TP HCM nằm dọc theo sông từ phía Đông xuống Nam, trải dài qua TP Thủ Đức cùng các quận huyện như 4, 7, Nhà Bè và kết nối nhiều trục đường chính với chiều dài hơn 80 km. Lượng hàng hóa qua cảng biển tại thành phố hiện vượt dự báo của năm 2025. Trong khi việc vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ khiến quá tải ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức)...
Cuối năm 2020, đề án thu phí hạ tầng cảng biển ở TP HCM được thông qua, triển khai từ đầu tháng 7 năm nay, kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm . Kinh phí này sau đó đầu tư, nâng cấp hạ tầng xung quanh cảng biển. Theo Sở Giao thông Vận tải, để tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong việc triển khai thu phí, các tuyến đường gần cảng cần được ưu tiên nguồn lực thực hiện.
Trường hợp khó cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải để xuất ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư các dự án chưa thực sự cấp bách để tập trung nguồn lực cho 6 dự án nêu trên.