Về vấn đề lập kế hoạch sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị: đã có quy hoạch sử dụng đất 10 năm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm được duyệt và quy hoạch xây dựng đô thị thì không nhất thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Với nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hàng năm nên rất khó để hoàn thành công tác này trước 31-12 của năm trước để làm cơ sở thực hiện cho năm sau.
Theo quy định, kế hoạch SDĐ cấp huyện của năm nay thì sẽ phải được duyệt vào 31-12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần, kế hoạch SDĐ của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý 2, quý 3 hàng năm. Thậm chí, đến thời điểm này là quý 4 nhưng kế hoạch SDĐ vẫn chưa được duyệt.
Giải trình về việc chậm phê duyệt kế hoạch SDĐ, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay công tác này chậm chủ yếu là do ba khâu. Thứ nhất là khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch SDĐ. Ở khâu này liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn, trong khi đó, thông tư quy định về nội dung này lại thay đổi liên tục.
Khâu thứ hai khi đã chọn được đơn vị tư vấn rồi, nhiều địa phương phải thông qua ban thường vụ hoặc thông qua HĐND vì đối với các địa phương, kế hoạch SDĐ hàng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo ông Thắng, việc chuyển qua ban thường vụ hay qua HĐND không có trong quy trình, thủ tục.
Khâu thứ ba theo ông Thắng là quá trình duyệt các dự án thì quận, huyện muốn chờ một số dự án được cấp vốn để đưa vào kế hoạch SDĐ. Vì nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch SDĐ mà sau đó dự án được ghi vốn thì không có cơ sở để triển khai. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, một trong những điều kiện để thực hiện dự án là phải có trong kế hoạch SDĐ hàng năm được duyệt.
Ông Thắng cho rằng, với những bất cập, vướng mắc như hiện nay thì rất khó để phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm trước ngày 31-12. Theo ông Thắng, TPHCM đã từng kiến nghị Bộ TNMT bỏ việc lập kế hoạch SDĐ hàng năm. Lý do là hiện nay TP đã có kế hoạch SDĐ 5 năm được duyệt, có quy hoạch SDĐ kỳ 10 năm và có quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy, ông Thắng cho rằng, lập kế hoạch SDĐ rất có thể là mang tính hình thức.
Cũng theo báo cáo của Sở TNMT, trong 1.445 dự án được HĐND TP thông qua trong 11 nghị quyết về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2016 đến nay, hiện có 402 dự án đã hoàn thành, 741 dự án đang triển khai. Còn lại 302 dự án chưa thực hiện đang được UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng Ban Đô thị - cho rằng con số các dự án treo như vậy là quá lớn, có địa phương có đến 30% số dự án chưa thực hiện. Bà Vân đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP thông qua chứ không chỉ tổng hợp danh mục do các địa phương đưa lên.
Trong thời gian tới, Ban Đô thị HĐND TP sẽ khảo sát tính khả thi của các dự án do các địa phương đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất về danh mục dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng trước khi thẩm định, trình HĐND TP. Như vậy sẽ tránh được tình trạng nhiều dự án đã được HĐND thông qua nhưng không khả thi. Việc này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có đất trong dự án.
Bên cạnh đó, trưởng Ban Đô thị cũng yêu cầu phải có thủ tục công khai đối với các dự án bị đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất để các quận, huyện có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người dân.
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cũng đề xuất đối với các dự án đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để người dân thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng.
"Nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà Nhà nước không điều chỉnh quy hoạch thì người dân trong khu vực dự án vẫn bị "treo", quyền lợi về nhà, đất không giải quyết được", ông Thắng nói.