Sau vụ động đất tại Myanmar, tại TP.HCM ghi nhận sơ bộ có hơn 300 căn hộ chung cư tại quận 8 nứt tường nghi ảnh hưởng từ dư chấn động đất ở Myanmar. Dù đến nay, các cơ quan chức năng chưa ghi nhận thiệt hại về các kết cấu công trình, song hiện TP.HCM có 16 chung cư cấp D hỏng nặng, nguy hiểm, một số chung cư vẫn còn nhiều hộ dân đang sinh sống chưa di dời. Sau vụ động đất, các cư dân lo lắng kết cấu công trình ảnh hưởng, gây mất an toàn.

Chung cư Vĩnh Hội, quận 4 thuộc diện chung cư loại D được treo bảng cảnh báo cần phải di dời
Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B và 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích. Các chung cư này gồm 573 lô với 50.640 căn hộ, nằm ở nhiều quận, huyện.
Trong khi đó, vừa qua vào ngày 28/3 vụ động đất tại Myanmar mạnh 7,7 độ richter đã khiến nhiều tòa nhà cao tầng tại TP.HCM rung lắc, thực tế ghi nhận gần đây nhất là hơn 300 căn hộ tại chung cư Diamond Riverside (P.16, Q.8), nơi có các căn hộ bị nứt tường do ảnh hưởng từ động đất ở Myanmar. Hiện, cơ quan chức năng đang cho rà soát tất cả các chung cư nhà cao tầng trên toàn thành phố để thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân.
Ghi nhận tại chung Vĩnh Hội quận 4 thuộc chung cư cấp D, tại đây vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống đang chờ nhận nhà tạm cư, kết cấu của chung cư vốn đã xuống cấp, nhiều mảng tường nứt nẻ, bong tróc. Song, vụ động đất vừa khiến cư dân sống tại đây lo càng thêm lo.
Bà Trương Thị Tuyết một cư dân chia sẻ: “Động đất nặng nhẹ mình đâu biết được, bất thình lình chỉ sợ mình trở tay không kịp thôi, sự cố làm sao biết được khi nào đâu”.
Còn bà Nguyễn Thị Hà cư dân cho hay, nhà bà cũng bị xuống cấp sẵn dịp bị ảnh hưởng dư chấn động đất vừa qua, phường cũng xuống vận động bà con di dời.
“Hôm bữa rung lắc có một mảng bê tông bị sụp xuống, rớt từ lầu 2 xuống thành ra bây giờ sẵn dịp này chung cư xuống cấp, người ta cũng cho di dời luôn. Nhà tôi cũng đi nhưng phường chưa đưa giấy, cho bóc thăm xem nhà tạm cư hết rồi, giờ chỉ chờ thông báo là đi thôi”.

Kết cấu chống đỡ công trình phải được gia cố thêm các thanh sắt chèn chống ở một số điểm xung yếu
Tương tự, ở chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4) cách không xa chung cư Vĩnh Hội cũng trong cảnh xuống cấp trầm trọng, nhiều trụ đỡ, mảng tường nhà được bó dây kẽm, chèn chống bằng những thanh sắt được hàn lại. Nhiều bảng thống báo được treo ở các khu hành lang chung cư.
Bà Lê Thị Minh Hương, cư dân chung cư Tôn Thất Thuyết cho hay, sắp tới có khoảng 174 hộ của chung cư được di dời sang chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh sống tạm chờ đợi thời gian để kiếm chủ đầu tư và di dời.
Bà Hương chia sẻ căn nhà bà thường bỏ tiền ra sửa chữa mỗi khi bị thấm nước, tường nứt, cuộc sống sinh hoạt lúc nào cũng lo lắng khi căn hộ xuống cấp dần.
“Thủng chỗ nào thì chắp vá chỗ đó, bởi vậy sống cũng sợ, cũng lo không biết khi nào bị sụp xuống. Bữa hôm chỗ này mới sụp tôi mới trét lại, tự sửa không, cứ bỏ tiền ra làm hết chỗ này thấm nước thì chỗ khác thấm nước”.

Sau vụ động đất ở Myanmar dư chấn làm rung lắc nhiều tòa nhà ở TP.HCM, các chung cư cũ loại D càng phải cần di dời gấp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong khi chung cư 440 Trần Hưng Đạo được chính quyền di dời các hộ dân do công trình có nguy cơ sụp đổ, hiện trạng đang được rào chắn quây tôn nhưng chưa thể tháo dỡ. Nhiều người dân đi qua lại khu vực này cũng lo lắng có nguy cơ mất an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Uyên sống quanh khu vực chung cư xuống cấp này chia sẻ: “Tôi cũng hy vọng là tháo dỡ chung cư ra rồi thì chủ đầu tư về làm lại cho có vẻ khang trang. Tôi đã về đấy sống cũng gần 40 năm rồi, ở đây đi qua đi lại cũng sợ chứ, thà tháo dỡ hết chỉ còn đất trống thì an toàn hơn”.
Vừa qua, tại cuộc họp báo Kinh tế - xã hội chiều ngày 3/4, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng TP HCM, yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đang thực hiện rà soát, kiểm tra an toàn kết cấu và phương án ứng phó sự cố tại các công trình công cộng, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, theo đúng các quy định pháp luật hiện hành và có báo cáo kết quả gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15/4.
Ông Phú còn nhấn mạnh thêm, hiện đơn vị đang triển khai 3 giải pháp chính đề rà soát lại các kết cấu an toàn của các công trình sau dư chấn động đất.
“Thứ nhất, rà soát thống kê các công trình tập trung đông người trên địa bàn gồm: cao ốc, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, chung cư, trung tâm thương mại có ảnh hưởng bởi dư chấn. Thứ hai, trên kết quả thống kê sẽ yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị các công trình thuê đơn vị có chức năng, năng lực kiểm tra kết cấu chịu lực của công trình để phát hiện hư hỏng, đánh giá việc đảm bảo an toàn chịu lực để đề xuất phương án khắc phục nếu có.

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo treo bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm do công trình kết cấu yếu
Thứ ba, phối hợp với Công an thành phố rà soát các trang thiết bị, phương tiện, phương án cứu nạn, cứu hộ, phương án xử lý tình huống sự cố, tai nạn tại các công trình để đảm bảo an toàn cho người dân khi có yêu cầu phải thoát nạn”.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo được chính quyền di dời các hộ dân do công trình có nguy cơ sụp đổ, song vẫn chưa dỡ bỏ người đi đường qua lại cũng lo lắng nguy cơ đổ sập bất ngờ.
Được biết, chính quyền TP.HCM đang dự thảo Nghị quyết bổ sung các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho chủ đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Dự kiến thành phố sẽ hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% kinh phí di dời, cưỡng chế di dời theo phương án được phê duyệt. Đồng thời hỗ trợ 100% phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng lại chung cư cũ.
Hy vọng, sắp tới trong công cuộc chỉnh trang đô thị, thành phố sẽ quyết liệt di dời những chung cư xuống cấp để người dân có một nơi ở mới an toàn, an cư lạc nghiệp thay vì thấp thỏm lo lắng trong các công trình đã sập xệ hơn 50 năm.