TPHCM kỳ vọng đột phá-Kỳ 2: Phối hợp đồng bộ chống ngập

(ĐTTCO) - Vấn nạn “cứ mưa là ngập” ở TPHCM không chỉ đe dọa cuộc sống và sinh hoạt của người dân, mà đưa chính quyền TP liên tục vào thế chống đỡ. Do vậy, giải quyết chuyện ngập nước đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá do Thành ủy TPHCM đề ra, liệu trong năm nay có cải thiện được nhiều hơn?
Tái khởi động dự án chống ngập
Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng, đã tạm ngưng thi công từ cuối tháng 4-2018, do những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép, tái cấp vốn.
Trước những vướng mắc dẫn đến dự án ngừng thi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TPHCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả của dự án. Chủ tịch UBND TPHCM cần tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
 TP nên lưu ý, phải rà soát kỹ hơn về các dự án đã và đang thực hiện, tránh tình trạng như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đẹp cảnh quan nhưng vấn đề cốt lõi là ô nhiễm chưa giải quyết được, thậm chí thời gian chuyển ô nhiễm ra sông Sài Gòn quá dài mà không biết đến khi nào kết thúc.
GS.TSKH Lê Huy Bá
Tại Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội TPHCM năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ tái khởi động trong tháng giêng năm Kỷ Hợi (tức tháng 2-2019). Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy, đây là dự án có khởi đầu tốt, nhưng do sự phối hợp của các đơn vị chưa đồng bộ, việc giải ngân chậm nên hiện ngừng thi công. 
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, đơn vị chủ đầu tư dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, cho hay đang cố gắng hoàn thành các khâu chuẩn bị để dự án tái khởi động ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trung Nam BT 1547 sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong khả năng, có thể trong năm nay để kịp hoàn thành dự án sau một năm, với điều kiện TP phải sớm bàn giao đủ mặt bằng cho nhà đầu tư.
Bởi đến thời điểm này, các địa phương như quận 7, quận 8 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè vẫn chưa bồi thường, giải tỏa xong phần diện tích liên quan đến dự án. 
Liên quan đến việc TP thuê tư vấn độc lập để giám định chất lượng thép nhà đầu tư sử dụng cho dự án, ông Tiến cho biết, ngoài chuyện các đơn vị cung cấp vật tư thiết bị đã phải xuất trình chứng từ về quy cách, xuất xứ và chất lượng thép như đã cam kết trong hợp đồng với nhà đầu tư, thì vừa qua Trung Nam BT 1547 cũng đã đem các mẫu thép đi kiểm định lại chất lượng tại 3 đơn vị đo lường. Kết quả cho thấy chất lượng đều đạt và vượt so với mác thép đặt ra trong thiết kế dự án.

Do thiếu tiền hay yếu năng lực?
Thực ra lâu nay TPHCM đã triển khai nhiều dự án thoát nước với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD từ nguồn vốn ODA. Nhiều dự án đã hoàn thành, nhưng chỉ cần trời mưa với lượng mưa trung bình thì đã gây ngập nặng. Giai đoạn 2016 – 2018, TP đã dồn sức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hơn so với trước đây như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước.
Cụ thể, TP triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung gần 100km cống các loại và nạo vét 61km kênh rạch; triển khai thực hiện 209 hạng mục công trình cấp bách nhằm khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới; thuê siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh… 
 Trong quản lý lũ lụt và ngập đô thị, TPHCM nên dựa trên quan điểm không thể chống ngập bằng mọi giá. Thay vào đó, TP cần chọn giải pháp “giảm nhẹ thiệt hại” trước, trong và sau thảm họa. Đây được xem là giải pháp được nhiều chuyên gia đô thị trên thế giới áp dụng.
Ông Tô Văn Trường, 
chuyên gia đô thị
Song hạn chế của công tác chống ngập ở TP hiện nay là các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp. TP vẫn chưa có quy hoạch cao độ nền làm cơ sở tính toán chính xác khi đầu tư hệ thống thoát nước; việc phối hợp, cập nhật xây dựng chung Quy hoạch tổng thể các ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ.
Một điều mấu chốt là nguồn vốn để đầu tư hạ tầng chống ngập cũng là bài toán nan giải, khi mà giai đoạn 2016 - 2018 TP cần tới gần 10.000 tỷ đồng để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, bởi với nền đất yếu, hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại cho xây dựng hàng loạt khu cao ốc, tạo áp lực khiến nền đất lún nhanh hơn. Kênh rạch bị lấn chiếm nhiều năm không được khơi thông, kèm theo quá trình lấn chiếm làm diện tích sông hồ bị thu hẹp khiến mực nước dâng cao nhanh hơn. Điều này làm TP bị ngập lụt khi triều cường lên cao hoặc khi mưa lớn là điều tất yếu.
Một bất cập khác là hơn 10 năm qua, bài toán chống ngập lụt cho TPHCM được giao về một đầu mối là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Tuy nhiên, trung tâm này thực chất chỉ là một ban quản lý dự án, không có chức năng quản lý nhà nước, mọi vấn đề đều phải xin ý kiến cấp cao hơn, không được đề xuất gì mà chỉ có nhiệm vụ thực hiện. Mới đây, UBND TPHCM vừa có quyết định giải tán trung tâm, đưa về Sở GTVT, thành một bộ phận chuyên quản lý dự án. 
TPHCM kỳ vọng đột phá-Kỳ 2: Phối hợp đồng bộ chống ngập ảnh 1 Cứ mưa là ngập đang trở thành bài toán nan giải cho đô thị TPHCM. 
Quy hoạch chống ngập từng khu vực
Thời gian qua TPHCM đã áp dụng nâng hàng hoạt tuyến đường để chống ngập do triều, mưa, nhưng giải pháp này theo nhiều ý kiến chuyên gia đô thị lại là hạ sách. Bởi khi nâng đường, nâng cống nhưng không giải quyết được việc chống ngập, mà sẽ khiến người dân phải khổ sở khi nhà biến thành hầm, đường hết ngập thì nhà thành sông. Việc chống ngập theo kiểu đối phó nói trên chỉ chuyển điểm ngập từ nơi này sang nơi khác.
Theo GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc ĐHQG TPHCM), hồ điều tiết là một trong những giải pháp nhằm chứa nước mưa đã được ứng dụng tại nhiều nước. Giải pháp vừa mang tính hiệu quả tức thời, vừa ít tốn kinh phí. Cụ thể, các hồ này sẽ thu và chứa nước mưa trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ hỗ trợ và bổ sung thêm cho các giải pháp chống ngập, và chỉ chống ngập cục bộ.
Trong khi đó, chuyên gia độc lập Tài nguyên nước và môi trường Tô Văn Trường cho rằng, khu vực các quận và huyện ngoại thành, nơi còn không gian rộng lớn để quy hoạch phát triển đô thị, phải làm quy hoạch thật tốt, thật nghiêm, đáp ứng yêu cầu tối đa tiêu thoát nước ngập úng do mưa lớn. TP phải đặc biệt chú ý quy hoạch chi tiết từ quy mô các khu phố và mật độ dân cư, kích thước đường phố và vỉa hè, chỉ được phép sử dụng 40% quỹ đất cho xây dựng các công trình dân sự là tối đa, còn lại 60% là dành cho xây dựng các công trình giao thông, công viên, hồ chứa nước, CLB thể dục thể thao cộng đồng. 
TS. Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường khẳng định, nhìn một cách tổng quan, không có một dự án hay một phương thức duy nhất nào có năng lực chống ngập toàn bộ và bền vững cho toàn khu vực TPHCM. Thực tế này đòi hỏi những người có trách nhiệm phải phân loại và tìm ra các nguyên nhân cụ thể để giải quyết.
Từng khu vực diễn ra ngập được giải quyết, thì toàn bộ công tác chống ngập của TP sẽ có hiệu quả. Như nhiều điểm ngập trong nội ô TP có nguyên nhân là do hệ thống đường ống cũ, xây dựng trước năm 1975, nên không thể giải quyết bằng các dự án đang triển khai được. 
Góp ý về chương trình chống ngập của TP, GS.TSKH Lê Huy Bá, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, đánh giá cao chủ trương Thành ủy lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học cho chương trình hành động giải ngập, trong điều kiện biến đổi khí hậu-nước biển dâng.
Đây là một điểm mới do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng. Song theo ông Lê Huy Bá, cách tiếp cận giải ngập của chương trình hành động phải xét trên cơ sở đô thị TPHCM là đô thị bán ngập triều, với đầy đủ các tham số cơ bản: nền đất yếu, giàu hữu cơ, địa mạo nhiều lòng chảo, lượng mưa, tần suất mưa theo mùa và mưa đô thị, khi không có Elnino hay khi có Lanina có khác nhau phương án giải ngập.
Đặc biệt, chương trình hành động phải dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu 2013, áp dụng cho TP để giải quyết vấn đề thoát ngập; công tác giải ngập không nên xét theo tuyến đường mà phải xét theo lưu vực, trong lưu vực lớn lại có nhiều tiểu lưu vực. 
 Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020, khu vực trung tâm cần có 6.000 km cống các loại, nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70%, tương đương 4.176 km. Để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP giai đoạn 2016 - 2020, cần kinh phí 73.379 tỷ đồng, nhưng đến nay tổng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỉ đồng, cần huy động 46.527 tỷ đồng.

Các tin khác