Từ lợi thế sẵn có
Theo đó, TPHCM đề xuất phía Đông dựa trên nền tảng đã có sẵn. Trong đó, quận Thủ Đức có hạt nhân là khu đô thị đại học, với Đại học Quốc gia TPHCM và 18 trường đại học khác; quận 9 có Khu Công nghệ cao là hạt nhân; còn quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính.
Sau khi tích hợp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ tạo thành vùng động lực rộng 21.000ha, với 1 triệu dân, chiếm khoảng 10% dân số và 10% diện tích toàn TPHCM. Vì vậy, việc hình thành vùng động lực phát triển kinh tế mới sẽ tiếp tục tác động tích cực lớn đến kinh tế TPHCM và cả nước. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân |
Tại hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X diễn ra ngày 24-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh từ yêu cầu hình thành vùng tăng trưởng mới, TPHCM đề xuất hợp nhất 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP trực thuộc TPHCM, với tên gọi "TP Thủ Đức". Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong phần thảo luận tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình việc thành lập TP trong lòng TP. Tên gọi chính thức của TP mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Nghị quyết thống nhất tạm thời lấy tên là “TP Thủ Đức”.
Đến cú hích mới cho TPHCM
Một trong những điểm nổi bật của TP Thủ Đức mà TPHCM hướng đến là ĐTST. TP cũng đã xác định 6 khu vực chức năng để tạo sự đột phá cho khu ĐTST, như xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ - tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; phát triển trung tâm công nghệ cao TP; hình thành trung tâm công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TPHCM; hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên khi đi vào hoạt động sẽ là động lực bứt phá cho "Thành phố Thủ Đức". Ảnh: H.HÙNG
Hiện chỉ tính riêng Khu Công nghệ cao hiện hữu rộng 913ha (quận 9), đã lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ (tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD), và mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỷ USD (năm 2019), bằng 40% xuất khẩu của TPHCM. TPHCM đang triển khai xây dựng thêm Khu công nghệ cao thứ 2 rộng khoảng 165ha. Do vậy với việc thành lập TP Thủ Đức sẽ có tác động rất lớn biến khu công nghệ cao mới này trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, từ đó góp phần mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn cho TPHCM.
Một điều chắc chắn việc thành lập TP Thủ Đức sẽ là cơ hội tạo sự bứt phá hạ tầng giao thông tại khu phía Đông TPHCM. Với nền tảng hạ tầng giao thông trọng điểm sẵn có (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Mai Chí Thọ…), UBND TPHCM đã đặt hàng Sở GTVT, Sở QH-KT tổ chức lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực phía Đông TP phù hợp theo hướng ĐTST. Trong đó, điểm nhấn là đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng bằng đường bộ, đường sắt đô thị và cả đường thủy.
Theo đó, TP sẽ mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 hiện nay kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Về đường bộ sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông gắn với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành. Đặc biệt, TP phát triển thêm mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe buýt đường sông…), điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn của TP. Từ đó, nâng tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng (đường bộ, đường sắt, đường thủy) trong khu vực từ 10% lên 25% vào năm 2025 và đạt 50-60% vào năm 2040.
Để giấc mơ sớm thành hiện thực…
Để giấc mơ sớm thành hiện thực…
Về mặt tiềm năng, TP Thủ Đức tương lai là vùng đất có nhiều thuận lợi, có nhiều hạ tầng quan trọng, nhiều khu đất trống để phát triển dự án mà không khó khăn về đền bù, giải tỏa. Do đó, phát triển một TP mang đậm dấu ấn thế kỷ 21 với hạ tầng kỹ thuật tiên tiến và công trình hiện đại rất khả thi. Tuy nhiên, giữa ước mơ, hiện thực có làm được hay không phụ thuộc vào công tác chuẩn bị cho việc phát triển dự án này như thế nào. Thử thách trước mắt còn rất nhiều, phải có sự chuẩn bị tốt để vượt qua các thử thách đó, ước mơ đó mới trở thành hiện thực được.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, đây là đề xuất chưa có trong tiền lệ. Vì vậy muốn thực hiện, đầu tiên phải điều chỉnh các luật liên quan như Luật Quản lý đô thị, Luật Quản lý hành chính nhà nước, Luật Xây dựng… Nếu chúng ta sửa luật, có cơ sở pháp lý để mô hình này ra đời sẽ làm TPHCM trở thành vùng đô thị rất năng động, các TP nhỏ trong TPHCM được phát triển tự do, tự chủ hơn. Sáng tạo, đổi mới là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của TPHCM, nhưng cần có những bước đi thích hợp về thời gian, không gian và tâm lý cộng đồng.
“Thí dụ, nếu Phú Mỹ Hưng là TP, không phải khu đô thị thuộc quản lý của 2 phường Tân Phong và Tân Phú, sẽ có điều kiện phát triển rất năng động và trở thành một điểm sáng. Chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ các cơ sở pháp lý cho mô hình trên, không lại giống như trước kia chúng ta từng đề xuất chia TPHCM ra thành 5 TP (Trung tâm và Đông - Tây - Nam - Bắc) nhưng không thực hiện được” - ông Hòa nhấn mạnh và cho biết mô hình đại đô thị đơn cực như ở Hà Nội (3.400km2 với 7 triệu dân) và TPHCM (2.100km2 với 13 triệu dân) đã lạc hậu. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình phát triển mới cho TPHCM tựa như may chiếc áo mới thay cho chiếc áo cũ đã chật chội, tạo nền tảng để TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn.