TPHCM mở cảng, lấy đà tiến biển

(ĐTTCO) - Hệ thống giao thông của TP kết nối không đồng bộ khiến cự ly di chuyển xa hơn, tắc nghẽn thường xuyên hơn, ô nhiễm và chi phí gia tăng.
Cảng container quốc tế SP-ITC TPHCM. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Cảng container quốc tế SP-ITC TPHCM. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Xây mới 5 cảng; nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang 7 bến cảng hiện hữu cùng kế hoạch hàng trăm bến thủy nội địa... TP.HCM đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển giao thông thủy để “chia lửa” cho đường bộ và đột phá kinh tế biển.
Tổng lực đánh thức gần 1.000 km đường thủy
Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030 mà UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện, dành rất nhiều “đất” cho phát triển giao thông thủy.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng mới gồm: Cụm cảng trung chuyển - ICD tại P.Long Bình (TP Thủ Đức), cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao TPHCM (Trung tâm logistics Khu công nghệ cao TP), cảng cạn ICD khu vực Củ Chi (Trung tâm logistics Củ Chi), cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ (Quận 7).
Bên cạnh đó, hàng loạt bến cảng hiện hữu như bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái (Trung tâm logistics Cát Lái), cảng hành khách Ba Son, cảng hành khách Bạch Đằng, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng sẽ được ưu tiên nâng cấp, chỉnh trang hoặc mở rộng theo quy hoạch. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống các cảng trên gần 22.100 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, TPHCM sẽ ưu tiên nguồn thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (dự kiến khoảng 16.000 tỉ đồng giai đoạn 2021 - 2025) để đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển (đường bộ và đường thủy) theo danh mục đề xuất của Sở GTVT hằng năm, được UBND TP và HĐND TP thông qua.
Theo đánh giá của Sở GTVT, TPHCM có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy.  Bao gồm tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 975 km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa rải khắp trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, việc tận dụng các đường sông, kênh, rạch này để giảm tải giao thông đường bộ, phát triển du lịch, kinh tế còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Ngoài khó khăn về tĩnh không cầu, hệ thống cảng thủy nội địa, cảng cạn (ICD) chưa được đầu tư theo quy hoạch, là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống này đang bị lãng phí dù giao thông, vận tải đường bộ tắc nghẽn.
Hiện nay, TP có tổng cộng 302 bến thủy nội địa bao gồm các bến hành khách, bến hàng hóa. Các bến thủy này đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách và hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ TPHCM về các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, do chủ yếu khai thác cảng trung chuyển hàng hóa Trường Thọ, nên gây ùn tắc giao thông cửa ngõ phía đông trên xa lộ Hà Nội, công suất khai thác vượt quy hoạch.
Trong khi đó, các cảng thủy nội địa mới như cảng Long Bình (TP Thủ Đức) chưa được đầu tư để giải phóng áp lực giao thông cho khu cảng Trường Thọ. Hệ thống bến thủy nội địa chưa được quy hoạch cụ thể, hoạt động tạm, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư xây dựng cầu bến và trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại. Do đó chưa nâng cao được sản lượng hàng hóa thông qua bến thủy nội địa.
Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 10 năm tới, ngoài việc đầu tư hệ thống cảng, Sở GTVT TPHCM còn đề xuất đưa vào quy hoạch 412 vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa.
Các vị trí này gồm 174 bến hàng hóa, 13 bến chuyên dùng, 175 bến hành khách, 28 bến khách ngang sông và 22 bến tổng hợp, khai thác triệt để gần 1.000 km sông ngòi, kênh rạch.
Đầu tư đồng bộ để giảm chi phí giao thông thủy
TPHCM mở cảng, lấy đà tiến biển ảnh 1
TS Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên về quản trị đô thị - ĐH Việt Đức, nhận định mặc dù có tiền đề địa kinh tế và lợi thế rất lớn nhưng TPHCM đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, đánh mất dần lợi thế của nhiều ngành hiện đang là mũi nhọn, như logistics, thương mại gắn với cảng.
Cụ thể, cảng Cát Lái và Tân Thuận quá tải và gây ách tắc cho giao thông nội thành. Các cảng nhánh sông Soài Rạp dù đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, nhưng lại nhanh chóng bị bồi lắng.
Hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên sông Lòng Tàu dư thừa công suất, nhưng thiếu kết nối giao thông và kết nối dịch vụ logistics, khả năng trung chuyển đường sông, đường sắt, đường bộ để phục vụ các khu công nghiệp/khu chế xuất…
Hệ thống giao thông của TPHCM kết nối không đồng bộ, khiến cự ly di chuyển xa hơn, tắc nghẽn thường xuyên hơn, ô nhiễm và chi phí gia tăng. Trong khi đó, ở các đô thị thứ cấp lân cận, các ngành chế tạo tăng trưởng mạnh hơn, kéo theo dịch vụ phục vụ doanh nghiệp công nghiệp, thương mại và logistics cũng phát triển mạnh hơn.
Cảng nước sâu và các trung tâm logistics phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu dịch chuyển về Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, khiến các ngành kinh tế gắn với cảng tại đô thị trung tâm là TPHCM dần suy giảm.
“Đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu hạ tầng cầu cảng và luồng hàng hải là hướng đi đúng và cần phải làm của TPHCM. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống đường bộ kết nối với hành lang, vành đai kinh tế; cải tạo và nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa”, vị này đề xuất.
Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng về lý thuyết, sử dụng giao thông thủy rất hiệu quả, vì TPHCM vốn là đô thị sông nước, mạng lưới sông ngòi chằng chịt theo kiểu chân rết từ cảng lớn đến cảng nhỏ rất thuận tiện.
Đường thủy nội địa là phương thức có khối lượng lớn và giá thành thấp nhất trong cơ cấu vận tải. Nghịch lý là hiện nay hễ có sự tham gia của loại hình này thì giá thành lại cao. Nguyên nhân là do hạ tầng chưa đồng bộ, bến bãi xây dựng chưa đúng quy chuẩn, có bến, cảng nhưng không có đường kết nối tới kho, bãi. Vận chuyển hàng hóa không thuận tiện nên chi phí đội lên cao, không hiệu quả.
"Giao thông thủy được chia làm 2 loại: chở hàng hóa và vận tải hành khách. Cho dù loại nào thì cũng phải có điều kiện cơ bản là có bến tàu được đầu tư đàng hoàng, và có các tuyến đường kết nối. Bên cạnh đó, nếu chỉ xây bến, mở cảng không thì vẫn sẽ tiếp tục không hiệu quả.
Phải gắn với quy hoạch giao thông đường bộ, có đường kết nối, quy hoạch tuyến, cảnh quan đô thị dọc tuyến tùy theo mục đích chở hàng hóa, phát triển kinh tế biển, giao thông công cộng hay du lịch đường sông…", ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-7, TPHCM sẽ chính thức thu phí hạ tầng cảng biển. Dự kiến nguồn thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án khoảng 16.000 tỷ đồng.
Sở GTVT TPHCM thông tin: Cùng với sự đầu tư của TP cho các công trình giao thông kết nối cảng biển đã và đang triển khai hiện nay, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách TP, để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025.
Các công trình giao thông kết nối cảng biển của TPHCM giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định; Nút giao thông Mỹ Thủy; Khép kín đường Vành đai 2; Mở rộng đường Võ Chí Công; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; Xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; Xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); Xây dựng đường Vành đai 3; Xây mới cầu Cát Lái; Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại P.Long Bình, Q.9; Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh kết hợp với mở rộng đường Lưu Trọng Lư, để tổ chức lại giao thông và kết nối khu vực bến cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh.
Cùng với đó là nghiên cứu bổ sung tuyến đường ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp, nghiên cứu mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát và đầu tư các tuyến đường kết nối từ đường Huỳnh Tấn Phát sang đường Nguyễn Hữu Thọ… Đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, tuyến đường thủy nội địa; Đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.

Các tin khác