Đến năm 2025-2030 sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu mua sắm của từng cá nhân thông qua thiết bị di động. Các sàn giao dịch TMĐT tổng hợp cô đọng hơn về số lượng; website TMĐT chuyên doanh phát triển về chiều sâu, kết hợp chặt chẽ với mạng lưới cửa hàng truyền thống tạo thành hệ thống phân phối đa kênh (omni-channel); giao dịch TMĐT trên mạng xã hội (C2C) giữa các cá nhân phổ biến hơn; TMĐT xuyên biên giới phát triển đột phá. Trong viễn cảnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ mới và năng lực vận hành logistics sẽ là chìa khóa quyết định thành công của doanh nghiệp TMĐT nói riêng, ngành TMĐT TP nói chung.
Phương án phát triển thị trường TMĐT trong nước dựa trên khuyến khích thanh toán trực tuyến hỗ trợ và phát triển dịch vụ hoàn tất đơn hàng (logistics cho TMĐT); đẩy mạnh xúc tiến cho TMĐT thông qua tăng cường kết nối, mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp TMĐT và giữa TPHCM với các tỉnh, thành.
Đề án đề xuất 12 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp quản lý nhà nước (4 giải pháp chính) tập trung xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và triển khai cơ chế phối hợp linh động giữa các cơ quan hữu quan; Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển TMĐT (4 giải pháp chính) tập trung củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và nâng cao năng lực hậu cần, tính kết nối giữa các doanh nghiệp.
Sở Công thương sẽ phối hợp 15 sở, ban, ngành, các thành viên Hội đồng ngành TMĐT TP tham mưu UBND TPHCM ban hành Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT TPHCM giai đoạn 2021-2025; định kỳ hàng năm, UBND TP ban hành Kế hoạch Phát triển TMĐT cụ thể với từng đầu việc rõ ràng, kết hợp giữa ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa.