TPHCM: Người dân đến Bến xe Miền Tây đón xe đi miền Trung

(ĐTTCO) - Bến xe Miền Đông mới đưa vào hoạt động gần 2 năm nay nhưng vẫn trong tình trạng vắng vẻ. Ngược lại, các bến xe khác như Miền Tây, Ngã Tư Ga, An Sương lại quá tải và có nhiều chuyến xe xuất bến đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Bắc. 

Nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Tây Nguyên đang đậu trong Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) để chờ đón khách

Ùn ứ khách vì… quá tải

“Ra Bến xe Miền Tây cũng mua được vé xe khách đi Phú Yên”, đó là chia sẻ của anh Đào Sơn Lâm (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) sau chuyến về quê cuối tuần rồi. Tương tự, mới đây anh Nguyễn Tý đi Nha Trang thăm bạn bè cũng đón xe từ Bến xe An Sương, thay vì phải đi ra Bến xe Miền Đông mới.

Lâu nay, Bến xe An Sương được biết đến là chỉ đón khách đi tỉnh Tây Ninh, thì hiện cũng có đủ các tuyến từ miền Trung cho đến Tây Nguyên. Gần đó, Bến xe Ngã Tư Ga cũng thường xuyên có nhiều xe chạy các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc đậu đón khách.

Trong khi đó, nhiều ngày ghi nhận tại Bến xe Miền Tây (vốn chỉ chạy tuyến các tỉnh miền Tây), chúng tôi thấy xe khách từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi…, thậm chí từ Đắk Lắk, Kom Tum cũng chạy ra vào bến để đón, trả khách liên tục.

Theo thống kê, sau khi Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) di dời giai đoạn 2 ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), Bến xe Miền Tây tăng 199 lượt xe/ngày với hơn 4.000 hành khách; Bến xe An Sương tăng 110 lượt xe/ngày với 973 hành khách; Bến xe Ngã Tư Ga tăng 51 lượt xe/ ngày với 415 hành khách. Tiếp đó, sau khi lệnh cấm xe khách giường nằm vào trung tâm nội đô có hiệu lực (từ 10-1-2023), Bến xe Miền Tây tăng 145 lượt xe/ngày với hơn 3.400 hành khách; Bến xe An Sương tăng 44 lượt xe/ngày với hơn 210 hành khách; Bến xe Ngã Tư Ga tăng 14 lượt xe/ngày với 121 hành khách. Tại các bến xe này, lúc nào cũng đông đúc, ùn ứ vì bị quá tải.

Bất tiện, tốn thêm chi phí

Nghịch lý trên phát sinh từ việc di dời Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới. Từ khi di dời (giai đoạn 2 từ ngày 11-10-2022 đến 14-9-2023) đến nay, việc khai thác tại Bến xe Miền Đông mới đạt hiệu quả rất thấp: công suất thiết kế mỗi ngày bến xe có thể đón 6.000 xe khách nhưng hiện nay chỉ đón khoảng 250 xe! Nguyên nhân chính được chỉ ra là do Bến xe Miền Đông mới nằm cách trung tâm hơn 20km nên hành khách vừa mất nhiều thời gian di chuyển, vừa tốn chi phí đi taxi, xe ôm.

Hiện xe buýt cũng có nhiều tuyến đến Bến xe Miền Đông mới nhưng có khi phải qua nhiều chặng, hành lý lỉnh kỉnh bất tiện nên người dân chưa mặn mà sử dụng. Đối với dịch vụ ký gửi hàng hóa, nhiều người cũng không sử dụng vì chi phí mang hàng ra bến xe quá cao. Trong khi đó, bản thân Bến xe Miền Đông mới không tổ chức đầy đủ mạng lưới xe trung chuyển giữa bến xe với các khu vực khác, một số doanh nghiệp vận tải phải tự lo.

Xe nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Tây Nguyên đậu trong Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) để chờ đón khách

Làm thế nào để phát huy hiệu quả của Bến xe Miền Đông mới? Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TPHCM, vừa qua các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hạn chế xe khách giường nằm hoạt động trong khu vực nội đô, tăng cường xử lý xe dù, bến cóc đã từng bước phát huy hiệu quả. Từ đó, số phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định đăng ký hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới tăng lên; số lượng khách đến, đi tại bến xe cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với giải pháp hành chính như vậy sẽ khó phát huy hiệu quả lâu dài.

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức), Bến xe Miền Đông mới “bị ế” là do nằm ở vị trí và giao thông chưa thuận tiện. Người dân lựa chọn bến xe gần nhất để tiết kiệm chi phí là hiển nhiên, còn hãng xe buộc phải lựa chọn phương án hiệu quả hơn là đổi sang bến xe khác. Trước tiên, đơn vị chủ quản cần có chế tài để điều tiết doanh nghiệp vào từng bến. Sau đó, cần tăng cường xe trung chuyển miễn phí giữa các bến xe với nhau để phục vụ hành khách tốt hơn.

Theo một chuyên gia giao thông, các bến xe có xe khách chạy từ “Đông sang Tây” và ngược lại thì vẫn đúng quy định pháp luật. Do đó, cơ quan nhà nước cần có chế tài để sắp xếp lại lộ trình tuyến nhằm cân bằng hài hòa, đặc biệt việc sớm đưa vào vận hành tuyến metro, lúc đó việc đi lại Bến xe Miền Đông mới sẽ thuận tiện hơn.

Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa xong hạ tầng

Bến xe Miền Đông mới được xem là bến xe khách liên tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước với kinh phí đầu tư giai đoạn 1 gần 700 tỷ đồng, có diện tích trên 16ha. Cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông báo cáo Sở GTVT, cho biết hiện trạng hạ tầng phục vụ bến xe vẫn đang tiếp tục thi công.

Theo đó, xây dựng 2 cầu vượt (cầu số 3 và cầu số 4) để tổ chức giao thông cho dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông mới và cho dòng xe xuất bến rẽ trái về TPHCM hoặc Bình Dương; xây dựng cầu bộ hành để giải quyết nhu cầu bộ hành qua lại giữa 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp tại vị trí bến xe; xây dựng 2 đường chui bên trái và bên phải - chạy thẳng ở sát bên đường song hành trên đường Võ Nguyên Giáp…

Với tiến độ của các dự án, sớm nhất là hoàn thành vào tháng 12-2024, riêng hạng mục cầu vượt số 4 hiện vẫn chưa có mốc thời gian dự kiến hoàn thành. Việc tổ chức kết nối ở mặt phía trước bến xe giáp quốc lộ 1 chưa thuận lợi cho người dân tiếp cận bến xe…

Các tin khác