TPHCM: Nhiều giải pháp tiếp sức doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 6-5, tại hội nghị báo cáo viên TPHCM tháng 4-2022 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Đào Minh Chánh đã báo cáo chuyên đề “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM”.
Nghiên cứu chế tạo sản phẩm y tế công nghệ cao tại Nhà máy USM Healthcare, Khu Công nghệ cao TPHCM
Nghiên cứu chế tạo sản phẩm y tế công nghệ cao tại Nhà máy USM Healthcare, Khu Công nghệ cao TPHCM
Trong đó cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp sức để doanh nghiệp vươn lên.  
Tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, phí 
Nhận định tình hình kinh tế TPHCM, ông Đào Minh Chánh cho rằng, những tín hiệu tích cực phát triển kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 khá rõ nét. Điển hình, từ đầu năm đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,28 tỷ USD, tăng 12,18% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Gần 7.500 DN tái hoạt động, tăng 34,02% so với cùng kỳ, nâng tổng số trên hệ thống hiện tại là 487.813 DN với số vốn 9.023.917 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN 4 tháng đầu năm ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so cùng kỳ. Nhiều DN sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt, may… đã lấp đầy công suất. Cá biệt, nhóm DN ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu tăng 88,2% so với cùng kỳ.
Đồng hành với DN, hiện TPHCM đang quyết liệt chỉ đạo các quận huyện phải phổ biến, áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đó là: giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu; giảm 30% tiền thuê đất; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…
Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu xem xét giảm tiền điện cho DN, người dân; gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022… Quan trọng hơn, thành phố đang làm việc với các tổ chức tín dụng để phấn đấu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1%, cho giai đoạn từ nay đến năm 2023.
Ông Đào Minh Chánh cho biết, với từng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, đầu tư công… TPHCM đã chỉ rõ trọng tâm cần thực hiện nhằm giúp DN phục hồi nhanh hoạt động. Đơn cử, với lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào vấn đề phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn.
Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Với lĩnh vực dịch vụ, tập trung giải pháp phục hồi các ngành thương nghiệp bán buôn - bán lẻ, vận tải - kho vận, lưu trú - ăn uống, kinh doanh bất động sản. Trong đó, tập trung triển khai kế hoạch phục hồi du lịch, đề án phát triển ngành logistics, phát triển thương mại điện tử và hoàn thành pháp lý xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. 
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư
Song song với những giải pháp hỗ trợ, các cơ quan chức năng thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN trong và ngoài nước. Đầu tiên là kiên quyết loại bỏ quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con”, chuẩn bị sẵn điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục...) nhằm mời gọi đầu tư để hình thành các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế. Thành phố đang phấn đấu đưa vào sử dụng 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư cho DN trong thời gian tới.
Ông Đào Minh Chánh khẳng định, lãnh đạo TPHCM cam kết nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, quyết tâm khắc phục. Mặt khác, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế thu hút đầu tư tư nhân thông qua hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút lượng kiều hối đầu tư phát triển thành phố. Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng đề án thí điểm chính sách, mô hình nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển (sandbox); nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Ở góc độ khác, nhằm nâng cao giá trị thu hút đầu tư, thành phố tiến hành rà soát các chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả DN lớn trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng tạo nền tảng để gia nhập chuỗi cung ứng của DN FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị. “Những giải pháp đồng bộ từ phía Chính phủ, TPHCM và sự nỗ lực chung tay từ phía DN sẽ là nền tảng để thành phố tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới”, ông Đào Minh Chánh nhấn mạnh.

Các tin khác