TPHCM trên đà phục hồi
Năm 2024, tăng trưởng GRDP của TP chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ (tăng 7,7% so với năm trước) và công nghiệp (tăng 7,26%). Trong khi đó, khu vực xây dựng trong năm 2024 ước tính chỉ tăng trưởng 4,86%. Theo giá hiện hành 2024, khu vực dịch vụ chiếm 65,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp chiếm 17,9%, và khu vực xây dựng chiếm 3,5%. Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GRDP (0,5%), và ước tính chỉ tăng 0,12%.
Kinh tế TPHCM năm 2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh TP đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa. Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cho thấy, ngành dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng cao và gần như đã lấy lại được xu hướng tăng trưởng trước đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, ngành công nghiệp và xây dựng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao, và chưa quay lại xu hướng tăng trưởng trước đại dịch. Ngành công nghiệp của TP đang có những bước chuyển mình đúng hướng, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch vẫn còn khiêm tốn.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh sau đại dịch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong nước, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn trong tiếp cận tín dụng và suất sinh lợi của vốn đầu tư thấp, do chi phí đầu vào sản xuất cao.
Thị trường lao động cũng đang có xu hướng thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo. Điều này phản ánh sự dịch chuyển ra khỏi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động một phần vẫn còn đang trong quá trình giằng co.
Trong năm 2025, kinh tế TPHCM được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tiêu dùng của người dân ở TP có xu hướng tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung cả nước, và khách du lịch đang trong đà tăng trưởng tốt cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Với những cơ chế và chính sách hỗ trợ mới, lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh hơn.
Giải quyết thách thức để bứt phá
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi TPHCM đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, cụ thể là thực hiện cuộc chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Thách thức thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay vẫn chưa có xu hướng tăng trưởng trở lại trong những năm sau đại dịch Covid-19. Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong ngành dịch vụ, đòi hỏi các DN trong ngành này phải chuyển đổi số kết hợp với ứng dụng công nghệ để gia tăng năng suất và chất lượng.
Bởi yếu tố then chốt trong việc phát triển các ngành dịch vụ giá trị cao là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp hay các công đoạn trong một chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, cũng đòi hỏi nguồn lao động kỹ thuật cao.
Thứ hai, để tinh gọn bộ máy hành chính, cần số hóa kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian trong các thủ tục hành chính cho DN và người dân. Đồng thời, để thực thi hiệu quả các chính sách và chương trình đề ra, cũng yêu cầu một đội ngũ nhân lực quản trị công chất lượng cao. Tuy nhiên khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao và tiền lương tăng trưởng chậm, người lao động chất lượng cao có xu hướng không chọn TP làm điểm đến.
Thứ ba là đầu tư của các DN trong nước và nước ngoài, hiện nay đang có xu hướng hồi phục khá chậm trong những năm sau đại dịch Covid-19. Để chuyển đổi và nâng cấp mô hình sản xuất trong ngành dịch vụ và công nghiệp đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi chi phí đầu vào sản xuất còn gây ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của vốn, đặc biệt là chi phí lao động do thiếu nguồn lao động chất lượng cao, các DN có xu hướng không đầu tư chuyển đổi và nâng cấp mô hình sản xuất trên địa bàn TP.
Điều này khiến cho năng suất tăng trưởng chậm và theo đó là tiền lương cũng tăng trưởng chậm, dẫn đến việc người lao động chất lượng cao có xu hướng không chọn TP làm điểm đến. Đây là một vòng xoáy luẩn quẩn điển hình góp phần tạo thành bẫy thu nhập trung bình.
Thứ tư là cơ sở hạ tầng vốn đã và đang phải chịu quá tải trong một thời gian dài, bao gồm giao thông vận tải, nhà ở, bộ máy quản lý hành chính, y tế, giáo dục và các tiện nghi sống khác. Sự quá tải của cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của các DN và chi phí sinh hoạt của người lao động còn cao. Điều này khiến cho TP giảm khả năng thu hút vốn đầu tư và người lao động chất lượng cao.
Trong bối cảnh các ngành công nghiệp thâm dụng lao động hoặc các khâu sản xuất sử dụng nhiều lao động, đang có xu hướng dịch chuyển về các địa phương trong khu vực, TP cần phải tập trung nhanh chóng mở rộng liên kết vùng nhằm hình thành một mạng lưới chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.
Thực hiện liên kết vùng thành công, sẽ tạo ra một tác động cộng hưởng lên tăng trưởng kinh tế của cả vùng và của từng tỉnh/thành. Trong trung hạn sẽ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP nói riêng chủ động hơn trong sản xuất, đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Có thể thấy rằng, tập trung giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng là cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc tháo gỡ triệt để vòng xoáy luẩn quẩn giữa năng suất, tiền lương, lao động chất lượng cao và vốn đầu tư. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TPHCM cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm và thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính.
Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi.
Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của TP trong năm 2025, và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo.