Trong những tháng đầu năm, tỷ lệ này đạt thấp do nhiều nguyên nhân và tỷ lệ sẽ tăng dần trong các tháng sau. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, các đơn vị của TPHCM giải ngân 2.511 tỷ đồng, đạt 6% trên kế hoạch vốn thành phố đã giao (41.526 tỷ đồng), tương đương 3,6% trên tổng mức vốn Thủ tướng giao.
Đến hết ngày 12-5, TPHCM giải ngân 8.236 tỷ đồng, đạt 20% trên kế hoạch vốn của thành phố, tương đương tỷ lệ 12% trên tổng mức vốn Thủ tướng giao. Dự kiến đến hết tháng 6 giải ngân sẽ đạt tỷ lệ 27% trên tổng mức vốn Thủ tướng giao.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TPHCM) đang được thúc đẩy tiến độ thi công. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Năm 2023, TPHCM được giao kế hoạch đầu tư công là 70.518 tỷ đồng, cao gấp 2 lần kế hoạch vốn năm 2022 và gấp 2,6 lần số vốn giải ngân năm 2022. Trước thách thức rất lớn trong giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, Thành ủy TPHCM đã thành lập 13 Tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng (kế hoạch vốn bố trí cho các dự án này là 49.694 tỷ đồng, chiếm 70% tổng kế hoạch vốn 2023 được giao).
HĐND TPHCM lập Đoàn giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025. UBND TPHCM ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chỉ đạo từng cơ quan phải rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục; theo dõi chặt tiến độ các dự án, kiên quyết phê bình các đơn vị chủ đầu tư chậm thực hiện với các nguyên nhân chủ quan.
Với công tác bồi thường, Tổ công tác về bồi thường làm việc hàng tháng với quận huyện, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. UBND các quận huyện, TP Thủ Đức phải đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, bao gồm cả các dự án không phải do quận huyện, TP Thủ Đức làm chủ đầu tư.