Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, khoản 2 dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, trong đó giao các bộ, ngành, địa phương: “Được phép bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 cho các dự án chuẩn bị đầu tư có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định sau ngày 31-10-2018. Được phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ, đảm bảo không vượt tổng mức kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp phát năm 2019.
TPHCM trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019. Ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã ban hành Chi thị số 02 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. Đồng thời, đã tổ chức 3 Hội nghị do Thường trực UBND TP chủ trì, để quán triệt, đôn đốc các đơn vị giải ngân kế hoạch đầu tư công và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Trong năm 2019, TP đã giao kế hoạch đầu tư công 33.771 tỷ đồng, tính đến ngày 15-9, tổng vốn đã giải ngân 11.443 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách TP giải ngân 9.591 tỷ đồng, đạt 31%; vốn Trung ương giải ngân 1.210 tỷ đồng, đạt 61%; vốn ODA giải ngân 641 tỷ đồng, đạt 80%.
Theo UBND TPHCM, qua theo dõi tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, TP nhận thấy một số nguyên nhân giải ngân chậm. Nguyên nhân thứ nhất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, quận huyện quan tâm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng nhìn chung còn chậm. Trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư và quận, huyện không lường được hết những khó khăn vướng mắc có thể phát sinh khi thực hiện công tác bồi thường dẫn đến việc đăng ký vốn không sát với tiến độ dự báo nên chưa giải ngân 3.000 tỷ đồng, chiếm 10% kế hoạch vốn.
Thứ hai, về thủ tục đầu tư, chương trình hỗ trợ phát triển chính sách chưa giải ngân 2.000 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch do đang vướng thủ tục đầu tư. Hiện nay, đang chờ Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả đàm phán Chương trình giải ngân để làm cơ sở ký kết hiệp định tài trợ và hợp đồng cho vay lại.
Thứ ba, về sắp xếp các Ban Quản lý dự án, hiện nay, các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đang thực hiện Đề án sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án của thành phố, quận - huyện, Ban Quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA. Do đó, việc thay đổi tư cách pháp nhân của chủ đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thủ tục giải ngân vốn của các dự án.
Thứ tư, về thời gian giao vốn, kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương vừa được Trung ương giao bổ sung vào tháng 6-2019, do đó mặc dù các dự án có tiến độ thực hiện tốt nhưng kết quả giải ngân chưa cao như dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2.
Thứ năm, về tiến độ giải ngân, trong các tháng đầu năm chủ yếu tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu… nên tỷ lệ giải ngân thấp. Cuối cùng, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ được giao. Công tác thiết kế, dự toán công trình, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm do chủ đầu tư và tư vấn trong một số trường hợp chuyên môn chưa sâu, chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc thời gian nộp lại hồ sơ chỉnh sửa kéo dài hoặc quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, TP tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, trong đó xác định người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý kế hoạch đầu tư công, không giao cho cấp phó hoặc các Ban quản lý dự án.
Thứ 2, quản lý chặt chẽ đầu tư công, trong năm 2019 các đơn vị giải ngân dưới 90% không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm. Các dự án đã được giao vốn chuẩn bị đầu tư nhưng đến ngày 31-12-2019 không được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư mà không có lý do khách quan sẽ xem xét không tiếp tục giao vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án trong năm kế hoạch tiếp theo.
Tối đa là 1 tháng kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ thanh toán tại Kho bạc Nhà nước thành phố để giải ngân dự án. Chỉ đạo các chủ đầu tư chi tiết tiến độ giải ngân hàng tháng của dự án và tổ chức giám sát theo kế hoạch giải ngân của chủ đầu tư.
Thứ ba, áp dụng công nghệ thông tin để rút ngắn quá trình hiện dự án đầu tư công; áp dụng “một cửa điện tử” trong thẩm định, phê duyệt, bố trí vốn và giải ngân kế hoạch đâu tư công.
Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trên cơ sở 85 đầu việc TP đã ủy quyền cho các đơn vị; TP sẽ rà soát và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền lĩnh vực đầu tư nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2019 và các năm tiếp theo.
Thứ năm, trong tháng 10-2019, TPHCM tổ chức hội nghị Chuyên đề đánh giá quy trình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2018 - 2019 với 4 nội dung chính là đăng ký vốn, bố trí vốn, giải ngân vốn, quyết toán vốn nhằm quản lý chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và phấn đấu năm 2019 đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành 4 nội dung. Đối với vốn cổ phần hóa: Nghị quyết 54 của Quốc hội quy định “ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu”.
Để TP sớm có nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. TP kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về cơ chế, quy trình “đặc thù” rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố.
Đối với tuyến Metro số 1 và số 2, TP đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính sớm có ý kiến để thành phố có cơ sở thẩm định điều chỉnh 2 dự án để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA.
Trước đó, tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019. Theo đó, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài (ODA). Nguyên nhân chủ yếu là chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192.000 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp. Lý giải về tình trạng chậm giải ngân, Bộ KH-ĐT nêu vấn đề vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công, đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường...
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân lớn đến từ công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, quy trình giao kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Công tác tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập như các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán...
Riêng về nguồn vốn ODA, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục pháp lý, phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân. Một số khác không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Trong đó, Bộ trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước ngày 31-10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP. Ngoài ra, các nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm toán và chế tài cũng được Bộ đề xuất trong báo cáo.