So với Nghị quyết 54, dự thảo nghị quyết lần này bao gồm nội dung rộng hơn và cụ thể hơn trên 7 lĩnh vực, với 44 cơ chế, chính sách đặc thù (trong đó có 22 cơ chế mới). Quá trình thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình và còn đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn nhằm tạo cú hích đẩy đầu tàu kinh tế tiến nhanh về phía trước, xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, đóng góp lớn hơn cho vùng và cả nước.
Các ý kiến cũng rất mong muốn đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng những cơ chế tạo điều kiện cho TPHCM xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị.
Theo đánh giá của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù phạm vi, quy mô, tính chất các chính sách còn thể hiện sự chừng mực nhất định nhưng dự thảo nghị quyết mới đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, tâm huyết, cầu thị, với nội dung khá toàn diện, đạt được sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành.
Dự thảo nghị quyết mới có kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù và cũng có những cơ chế vượt trội. Nghị quyết mới được ban hành sẽ có ý nghĩa không chỉ với TPHCM mà còn có tác động tích cực đối với các vùng miền và cả nước, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới.
Nghị quyết mới phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là một bước cụ thể hóa những nghị quyết quan trọng này. Còn những nội dung, những dự án đột phá, trong đó xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ có đề án riêng.
Khi Nghị quyết được thông qua, việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng. Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 là có một số nội dung chậm được hướng dẫn và chậm phối hợp trong tổ chức thực hiện.
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đang được thi công. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Triển khai thực hiện Nghị quyết mới đòi hỏi trên dưới đồng lòng và có sự giám sát hiệu quả, trách nhiệm của cơ quan dân cử, mặt trận, đoàn thể và người dân.
Theo lãnh đạo TPHCM, đã có sự phân công chuẩn bị chương trình hành động, kế hoạch củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực và kế hoạch cho triển khai hoạt động giám sát. Thường trực HĐND TPHCM đang khẩn trương chuẩn bị nội dung cụ thể để thông qua ngay trong kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề gần nhất của HĐND TPHCM nhằm quy định rõ trách nhiệm, thời gian, cơ chế, chính sách, nguồn lực... để thực hiện các nội dung của nghị quyết mới.
Việc gì thuộc thẩm quyền thành phố, thành phố sẽ xử lý nhanh, trong đó có tháo gỡ các dự án đóng băng do việc ngưng thực hiện theo mô hình BOT, BT và chuẩn bị khởi động nhanh các công trình, dự án mới.
Nghị quyết mới tạo không gian cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và khuyến khích những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện, bởi trong thực tế còn nhiều thủ tục nhiêu khê và những quy định chồng chéo, xung đột của chính sách pháp luật hiện hành.
TPHCM sẵn sàng đón nhận nghị quyết mới như đón nhận trọng trách lớn, với sứ mệnh vinh quang hiện thực hóa nghị quyết mới của Quốc hội, thực hiện thành công những nội dung thí điểm, chấp nhận thử thách trong quá trình đi đầu, vượt trước.
Nghị quyết mới đòi hỏi sự vào cuộc và xung trận từ người lãnh đạo cho đến người thực hiện - người trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Với sự đồng lòng - cùng nhau làm việc với tinh thần chiến binh, tinh thần doanh nhân, tinh thần năng động, sáng tạo của người dân thành phố mang tên Bác - trận đánh lớn sẽ là trận thắng lớn.
Có niềm tin, có khát vọng phát triển, có cơ chế, có nguồn lực, có sự phân cấp, phân quyền, tạo chủ động… nhất định sẽ tạo nên bứt phá.