Nội dung dự thảo cho thấy đây là chủ trương hết sức cần thiết của TPHCM, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người dân tạm cư trên địa bàn thành phố.
Pháp luật hiện hành không có quy định về việc đầu tư xây dựng khu tạm cư.
Để tháo gỡ vấn đề này tại TPHCM, trước đây, HĐND TPHCM đã có Nghị quyết số 57/2006/NQ-HĐND ngày 26-9-2006 và UBND TPHCM phấn đấu thực hiện hoàn thành việc bố trí tái định cư cho các hộ dân đang tạm cư, xóa các khu tạm cư kéo dài.
Trường hợp xuất hiện tình trạng tạm cư tại các dự án thì TPHCM có 2 phương án giải quyết cho người dân là: sử dụng quỹ nhà tái định cư để bố trí làm nơi ở tạm cho người dân, hoặc người dân tự lo nơi ở tạm và được hỗ trợ chi phí thuê nhà ở.
Qua triển khai, khi thực hiện phương án 1 nêu trên thì vị trí của quỹ nhà tái định cư để bố trí làm nơi ở tạm cho người dân phần lớn không nằm trên cùng địa bàn có đất thu hồi; hoặc nếu có ở gần thì không đảm bảo điều kiện sống, nên có rất nhiều trường hợp người dân chọn phương án 2.
Một khu nhà tái định cư tại quận 2 TPHCM |
Một vấn đề nữa là việc tạm cư kéo dài từ 2 năm trở lên sẽ làm tăng ngân sách cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng đồng thời hộ gia đình, cá nhân tạm cư cũng phải gánh thêm các chi phí phát sinh kéo dài, vì cuộc sống chưa ổn định.
Đó là các chi phí phát sinh để duy trì sinh hoạt (như chi phí giữ xe, thang máy, bảo vệ chung cư) so với chi phí tại căn nhà đã tháo dỡ; chi phí di chuyển hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân tạm cư để duy trì công việc, mưu sinh hoặc duy trì cuộc sống vì nơi thuê ở tạm cư cách xa nơi ở cũ; chi phí di chuyển tài sản, vật dụng của gia đình từ nơi thuê ở tạm cư về nơi được bố trí tái định cư; chi phí thuê nơi để gửi các tài sản, vật dụng của hộ gia đình, cá nhân…
Từ thực tế đó, bên cạnh những quy định đã nêu trong dự thảo lần này, cần bổ sung cơ sở thực tiễn về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của HĐND TPHCM. Nghị quyết HĐND khi được ban hành phải làm sao bao hàm đúng và đầy đủ nội dung hỗ trợ các chi phí cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở TĐC. Đồng thời nghiên cứu bổ sung đối tượng để tính hỗ trợ chi phí tạm cư là hộ gia đình, cá nhân có nhà ở trên đất bị thu hồi nhưng không phải là đất ở, không đủ điều kiện bồi thường đất ở, nhưng không còn nơi ở nào khác, theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND TPHCM…
Quan trọng nữa là điều chỉnh, bổ sung quy định về trách nhiệm của các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc cấp phép xây dựng lại nhà mới cho người dân cùng lúc với ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Điều này sẽ giải quyết hỗ trợ chi phí tạm cư trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa thể tiến hành xây dựng lại nhà ở mới vì chính quyền chưa hoàn thành cấp phép xây dựng lại nhà ở mới nhưng đã tháo dỡ nơi ở cũ.
Vấn đề cuối cùng và hết sức quan trọng là cần thống nhất việc bố trí tạm cư cũng phải đảm bảo mục tiêu ổn định cuộc sống của người dân tạm cư, không để người dân phải gánh thêm khó khăn trong thời gian tạm cư sau khi bàn giao đất, nhà ở để Nhà nước thực hiện dự án. Công tác tạm cư được giải quyết có lý, có tình chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt việc giải phóng mặt bằng, góp phần thúc đẩy tiến độ nhanh hơn tại nhiều dự án hạ tầng đang triển khai trên địa bàn thành phố.