Ở chiều ngược lại - chiều đến, TPHCM cũng chuẩn bị chào đón một số đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) trong nước và quốc tế vào cuối năm nay.
Khai thác thế mạnh vốn có
Chị Nguyễn Thị Bé Hai, người dân ngụ đường Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM) chia sẻ, chị từng có dịp đi tham quan một số quốc gia Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á và nhận thấy rằng cảnh quan sông nước ở TPHCM rất đẹp, đặc biệt vào ban đêm. “Khi thuyền rời bến Bạch Đằng vào buổi tối, du khách có thể ngắm nhìn quận 1, TP Thủ Đức lung linh ánh đèn điện, cảnh sắc hai bờ sông rất nên thơ. So sánh với một vài lát cắt của cảng Vitoria thuộc Hồng Công (Trung Quốc), hay dòng sông Chao Phraya của Thái Lan, thì sông Sài Gòn cũng diễm lệ không kém”, chị Bé Hai nhận xét.
Du khách TPHCM làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: DIỆU VĂN
Theo Sở Du lịch TPHCM, TP là trung tâm phát triển kinh tế năng động khu vực phía Nam, cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng; đồng thời là nơi hội tụ thế mạnh của loại hình du lịch MICE. Ngoài cảnh quan vốn có, TPHCM còn nổi bật với Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, với tiềm năng đón dòng khách MICE lớn đến du lịch, trải nghiệm, hội họp… Song song đó, các hệ thống khách sạn 4-5 sao chuyên nghiệp, các trung tâm hội nghị lớn cũng chính là chất kết dính để “hút” khách đến.
Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết, tổng công ty xác định du lịch MICE là một trong những sản phẩm chủ lực. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, hàng năm Saigontourist Group đều đón tiếp và phục vụ hàng trăm ngàn khách MICE, doanh thu khoảng hàng ngàn tỷ đồng. Mới đây, Saigontourist Group và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà triển lãm B Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là trung tâm triển lãm lớn nhất Việt Nam, sảnh triển lãm đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, xây dựng và không gian của ngành công nghiệp triển lãm. “Hy vọng công trình góp phần tạo đột phá cho du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung sau thời gian ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19”, ông Phạm Huy Bình cho biết.
Du khách TPHCM làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: DIỆU VĂN
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, TPHCM phát triển với tâm thế trung tâm du lịch, điều tiết du lịch của cả vùng, là nơi phân phối khách cho các địa phương khác. Do vậy, để có thể bứt phá trong thời gian tới, TPHCM cần phát triển mạnh các sản phẩm du lịch tương ứng. Ông Vũ Thế Bình phân tích thêm, khách đến TP có thể không ở lại khám phá lâu như ở các địa phương khác, nhưng có một khía cạnh cần chú ý là làm sao để khách đến TPHCM sẽ tranh thủ đi tham quan, trải nghiệm một vòng các sản phẩm du lịch của TP trước, sau đó mới đi đến các địa phương khác. “Tôi nghĩ rằng TPHCM nên phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng từ văn hóa đến ẩm thực, phong cảnh, di tích lịch sử, văn hóa… Làm sao để du khách dù rất vội vẫn có thể tranh thủ ghé thăm một vài điểm du lịch của TP. Cách phát triển du lịch của TPHCM cần khác biệt, chuyên sâu hơn so với các địa phương khác”, ông Vũ Thế Bình góp ý.
Tiềm năng rất lớn
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour nhìn nhận, TPHCM có tiềm năng rất lớn trong việc đón các đoàn khách MICE. Thực tế, trước dịch Covid-19, nhiều đoàn khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã ưu tiên lựa chọn TPHCM làm điểm đến du lịch MICE bởi đây là nơi quy tụ các cơ sở lưu trú, trung tâm hội nghị có nguồn nhân lực cao, tốt nhất của cả nước.
Để “bắt tay” vào thu hút du khách hiệu quả, ngay khi TPHCM chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế, Sở Du lịch TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Theo đó, hai bên chú trọng thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE; du lịch ẩm thực; tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường; đào tạo nguồn nhân lực cũng như chia sẻ các phương pháp và kinh nghiệm về quản lý, điều hành du lịch. Việc hợp tác giữa hai bên giúp ngành du lịch TP có thêm cơ hội quảng bá trực tiếp hình ảnh đến các công ty và công dân châu Âu tại Việt Nam, cũng như lan tỏa vẻ đẹp đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Sở Du lịch TPHCM cũng ký kết hợp tác Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (Viags) trong việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu du lịch TP, phối hợp đón các đoàn khách MICE đến với TPHCM…
Ở thời điểm hiện tại, TPHCM đang tăng tốc thúc đẩy phát triển du lịch MICE theo hướng khai thác đồng bộ và hiệu quả hơn. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhấn mạnh, sở đang xây dựng riêng một chương trình đón khách MICE trên cơ sở tiếp thu các giải pháp hiệu quả của các thành phố lớn ở trong và ngoài nước. Thông thường thủ tục nhập cảnh với du khách - nhất là đoàn khách lớn - rất rườm rà. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng du lịch MICE, TPHCM sẽ phối hợp với bộ, ngành để các nhóm khách này được ưu tiên. Ngành du lịch sẽ tổ chức những chương trình đón tiếp, tặng quà cho trưởng hoặc phó đoàn; làm công tác truyền thông cho đoàn khách trước, trong chuyến đi…; tham mưu các sở ngành liên quan tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho du khách khi đến TP, nhất là trong việc di chuyển, đi lại có xe dẫn đoàn. TPHCM cũng sẽ có chương trình giới thiệu các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, kích cầu cho nhóm khách MICE.
Góp phần giúp sản phẩm MICE “chất” hơn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, hàng loạt sản phẩm du lịch của TPHCM sẽ được kết hợp với loại hình MICE để giữ chân du khách. Ví dụ, sau hội thảo, hội nghị là các chương trình tham quan, vui chơi tại các điểm du lịch, thưởng thức nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng, ẩm thực ở quận 5; tham quan các di tích nổi tiếng của TPHCM… Trong tháng 7-2022, dự kiến TPHCM sẽ đón đoàn khách MICE khoảng 450 người đến từ Ấn Độ. Các doanh nghiệp lữ hành cũng xúc tiến thu hút các đoàn khách lớn từ miền Bắc về TPHCM. “Các điểm đến đa dạng, ẩm thực phong phú, hoạt động du lịch về đêm đặc sắc và sinh động được đánh giá là đủ sức thu hút du khách gần xa đến với TPHCM”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhận định.