Ngày 6-9 tại TPHCM, Ngân hàng UOB đã tổ chức Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” (Cửa ngõ vào ASEAN) năm 2024 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với ASEAN và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh tại khu vực.
Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” được UOB tổ chức từ năm 2022 và năm nay là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Tại hội nghị năm nay, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gửi thông điệp đến các nhà đầu tư quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc UOB Việt Nam, chia sẻ thông tin Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN sẽ đạt 5% vào năm 2024. Với sự tăng trưởng liên tục này, ASEAN đã khẳng định mình là một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc UOB Singapore, cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn, nhiều điều kiện thuận lợi về vĩ mô, dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Ngoài ra, Việt Nam còn hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao; có các công ty sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.
"Năm 2011, chúng tôi đã thành lập các trung tâm tư vấn FDI chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của chúng tôi để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam", ông Wee Ee Cheong cho biết.
Tham dự hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, nhận định khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã được khẳng định là khu vực phát triển có thể nói là nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Theo dự báo của các tổ chức như WB hay IMF, tăng trưởng của Đông Nam Á và Việt Nam tiếp tục đạt ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cũng nêu rõ các cơ hội và thách thức đang đặt ra hiện nay. Cụ thể, với những diễn biến về địa chính trị, cạnh tranh thương mại đang diễn ra thì bức tranh thế giới có nhiều điểm cần quan tâm và có một số vấn đề cần phải nhận dạng. Đó là việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng thời gian qua đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Cùng với đó là việc thay đổi các hành vi, thói quen tiêu dùng thông qua thương mại điện tử, du lịch xanh gắn với điểm đến an toàn thân thiện, gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang hình thành và phát triển. Việc phát triển bền vững trở thành xu hướng môi trường của thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển của nhiều quốc gia.
Tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, việc hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn đang gia tăng với tốc độ rất cao. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia trong đó có Việt Nam và TPHCM.
Từ xu thế này, Chủ tịch Phan Văn Mãi, cho biết TPHCM luôn nỗ lực để bắt kịp các xu hướng của thế giới và khu vực, tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ. TPHCM sẽ tiếp tục là đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của khu vực phía Nam và luôn sẵn sàng chuẩn bị và kêu gọi đối tác đồng hành để hợp tác cùng có lợi.
"TPHCM được thừa hưởng một cơ chế chính sách đặc thù vượt trội hơn mặt bằng thể chế của nhà nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư FDI", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Ngoài ra, TPHCM có cơ chế đặc thù trong xây dựng đường vành đai, các tuyến cao tốc, đồng bộ hạ tầng, giao thông liên kết vùng Đông Nam bộ, liên kết với vùng ĐBSCL nhằm mở rộng không gian kinh tế và tạo lợi thế về vị trí địa lý chiến lược. TPHCM có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng giúp trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa ra các khu vực trong và ngoài nước. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa.
Cùng với có 17 KCX và KCN đã đi vào hoạt động, TPHCM đang có đề án chuyển đổi các KCN này theo hướng công nghệ cao và tích hợp công nghiệp dịch vụ để hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu và phát triển... TPHCM cũng là nơi tập trung nhân lực có chuyên môn chất lượng cao với gần 5 triệu lao động, cộng với nhân lực ở các vùng xung quanh nên nguồn nhân lực rất dồi dào về số lượng và chất lượng.
Về sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, TPHCM có gần 400.000 doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp của tất cả các địa phương và có mối quan hệ quốc tế với các hiệp hội cũng như là tham gia vào các chuỗi cung ứng của ASEAN.
Về yếu tố thị trường, TPHCM có dân số trên 10 triệu dân với mức thu nhập tương đối cao và thói quen chi tiêu cũng rất tốt. Rộng hơn, TPHCM được đặt trong vùng Đông Nam bộ và có liên kết chặt chẽ với ĐBSCL, 2 vùng này có dân số gần 40 triệu dân. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là những yếu tố cho thấy TPHCM là một thị trường không nhỏ và rất tiềm năng để các đối tác đến đầu tư.
Phía UOB, ông Victor Ngo cũng khẳng định, vai trò của UOB là đơn vị xúc tác và hỗ trợ. Với mạng lưới rộng khắp khu vực và sự kết nối với các cơ quan chính phủ, các nhà đầu tư và hệ sinh thái đối tác cho phép UOB hỗ trợ tốt các doanh nghiệp tại Việt Nam và ASEAN.
"Với cam kết lâu dài đối với khu vực cùng sự đầu tư liên tục vào Việt Nam, UOB sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tự tin vượt qua các thách thức, cũng như mở rộng kinh doanh ra khu vực thông qua Việt Nam" ông Victor Ngo khẳng định.
Hiện có 125 quốc gia vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn TPHCM với hơn 13.000 dự án và tổng vốn đầu tư là gần 90 tỷ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2.000 dự án.