Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo, đối với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2022 thì yêu cầu UBND các địa phương khẩn trương, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện dứt điểm các dự án này, tránh kéo dài thời gian gây phát sinh khiếu nại, khởi kiện của các hộ dân cũng như các vấn đề về lãi suất. Thực hiện dứt điểm chậm nhất là ngày 30/10/2023.
Đối với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2023 thì đề nghị UBND các địa phương khẩn trương căn cứ Quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án để ban hành các Quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng, triển khai ngay công tác chi trả để giải ngân vốn bồi thường được giao theo đúng quy định hiện hành.
Về công tác phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND TP cho biết đã ban hành Quyết định 3383/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức và các quận - huyện quyết định giá đất cụ thể và thành lập Hội đồng thẩm định giá đất.
Do đó, đối với các dự án đến nay chưa được duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, UBND các địa phương có trách nhiệm khẩn trương, chủ động phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền; hoàn tất việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của các dự án được giao vốn bồi thường năm 2023 theo đúng quy định hiện hành, chậm nhất là ngày 30/10/2023.
Khu vực bồi thường để làm dự án Vành đai 3 TP.HCM (Ảnh H.K)
Trước khi phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, UBND các địa phương cần rà soát, đảm bảo hoàn tất công tác chuẩn bị để khi hệ số điều chỉnh giá đất có hiệu lực thì ban hành ngay các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng hộ dân theo đúng quy định hiện hành.
TP.HCM cũng chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc thuộc thẩm quyền, UBND các địa phương chủ động, tích cực giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời có văn bản báo cáo, đề xuất cụ thể và kèm toàn bộ hồ sơ có liên quan gửi các Sở ngành có liên quan để được hướng dẫn thực hiện. TP giao các Sở ngành liên quan phải có ý kiến xử lý trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo.
Được biết, tại Hội nghị Thành ủy vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM khó có khả năng hoàn thành 95% như kế hoạch. Tuy nhiên, TP cố gắng nỗ lực giải ngân trên 80%.